Bài 3: Làm sao để phòng chống trước 'ma trận' thực phẩm chức năng giả, nhái?

Hà Phương | 15/10/2023, 08:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Thực phẩm chức năng không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Nó chỉ là sản phẩm hỗ trợ, bồi bổ cơ thể, giúp cải thiện chức năng nào đó đã hoặc hỗ trợ hệ miễn dịch của cơ thể chống lại bệnh tật bên ngoài.

thuc-pham-chuc-nang-ghep.jpg
Phòng chống sản phẩm thực phẩm chức năng giả, nhái nhằm bảo vệ người tiêu dùng.

Giải quyết những mối lo về việc sử dụng thực phẩm chức năng

Theo các chuyên gia y tế, nếu sử dụng thực phẩm chức năng tùy tiện sẽ dẫn đến tình trạng ngộ độc do thừa chất, thậm chí có những biến chứng nguy hại.

Ví dụ như nếu thừa vitamin D dẫn đến bệnh sỏi thận; thừa vitamin C sẽ gây tiêu chảy, nổi mụn, đau đầu, buồn nôn và phá hủy chức năng của thận, gây sỏi thận; thừa acid folic có thể gây ung thư, đau bao tử, khó ngủ, tim đập nhanh, co giật...

Nếu sử dụng thực phẩm chức năng giả thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe như tiêu chảy, ngộ độc, nôn mửa, nổi mẩn đỏ, da phồng rộp, trụy tim mạch, huyết áp giảm, khó thở... Nếu sử dụng trong thời gian dài sẽ dẫn đến các bệnh lý về gan, thận, mật...

Các chuyên gia Y tế cũng khuyến cáo rằng, việc lạm dụng thực phẩm chức năng đẩy mạnh nhu cầu sử dụng trên thị trường đã tạo áp lực thúc đẩy người tiêu dùng tiếp tục sử dụng nhiều loại thực phẩm khác nhau với mục đích bồi dưỡng cơ thể.

Tuy nhiên, thực tế đã làm thay đổi thói quen sử dụng thực phẩm tự nhiên của người tiêu dùng, nhất là trong môi trường đô thị. Sự ngộ nhận này sẽ càng trở nên nguy hại nếu người tiêu dùng đặt niềm tin quá mức vào quảng cáo, cho rằng nó có thể thay thế được thuốc chữa bệnh.

Chưa kể, số tiền bỏ ra trong cả một quá trình sử dụng thực phẩm chức năng là không hề nhỏ so với mặt bằng thu nhập bình quân nói chung.

Nhu cầu thị trường cao, người tiêu dùng “dễ tính”, nguồn thu nhập “khủng” là những lý do chính khiến các đối tượng làm giả, làm nhái sản phẩm thực phẩm chức năng sẵn sàng “vượt rào pháp luật” để sản xuất hàng giả.

tpcn-4.jpeg

Bảo vệ người tiêu dùng bằng cách nào?

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để người tiêu dùng mua được  thực phẩm chức năng, bảo đảm với giá cả phải chăng là vấn đề đặt ra cho công tác quản lý và cho chính các nhà sản xuất, kinh doanh.

Nhằm bảo vệ người tiêu dùng nhất là trong việc sử dụng thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng cho biết: Thứ nhất, cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là công tác hậu kiểm, kịp thời phát hiện, xử lý hành vi vi phạm, cụ thể: tăng cường kiểm tra chống hàng giả, gian lận thương mại đối với thực phẩm chức năng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính.

Phát hiện và xử lý kịp thời, đúng pháp luật các hành vi vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng, đặc biệt cần tăng cường sự hướng dẫn sử dụng của cơ quan chuyên môn.

Thứ hai, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, vì sự phát triển bền vững của chính mình, cần bảo đảm các quyền của người tiêu dùng theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trong đó là quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản; quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ; quyền được lựa chọn; quyền được góp ý về giá cả, chất lượng hàng hóa; quyền được bồi thường thiệt hại; quyền được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng.

Thứ ba, người tiêu dùng chỉ nên mua thực phẩm chức năng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, để tránh mua phải hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng; cần có tư vấn khi sử dụng.

Thông tin cho cơ quan nhà nước có liên quan khi phát hiện thực phẩm chức năng lưu thông trên thị trường không bảo đảm an toàn, có khả năng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, để thực hiện hết các nội dung này, công việc không hề nhỏ.

Để bảo vệ mình, người tiêu dùng vẫn cần phải chủ động trong vấn đề lựa chọn và sử dụng thực phẩm chức năng, tự trang bị kiến thức về việc phân biệt hàng thật, hàng giả.

Hơn hết, người tiêu dùng nên trang bị nhiều kiến thức về việc sử dụng thực phẩm tự nhiên để chế biến món ăn hàng ngày, thay vì phụ thuộc vào một loại thực phẩm chức năng.

Theo quy luật của tự nhiên, xã hội ngày càng phát triển, tuổi thọ cao, năng lực cung cấp dịch vụ y tế càng ngày càng tốt hơn. Do đó, nhu cầu bổ sung thực phẩm dinh dưỡng, cải thiện chất lượng cuộc sống tăng theo tỉ lệ thuận với sự phát triển kinh tế.

Chính vì vậy, càng cần phải có hiểu biết đúng đắn về dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe để có một cuộc sống chất lượng cả về vật chất và tinh thần.

Lưu ý:

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng liên tục đưa ra cảnh báo người dân cần lưu ý các điểm sau khi mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Một là người dân cần tới các cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời khi có bệnh.

Hai là hãy tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe tại địa chỉ https://congkhaiyte.gov.vnhttps://nghidinh15.vfa.gov.vn trước khi quyết định chọn mua sản phẩm.

Ba là đọc kỹ nhãn sản phẩm, tem mác sản phẩm, xem rõ thành phần, tác dụng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp.

Bốn là chọn mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có ghi tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng.

Năm là sản phẩm phải có hóa đơn/đơn hàng của người bán để làm bằng chứng cho việc mua bán giữa hai bên.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 3: Làm sao để phòng chống trước 'ma trận' thực phẩm chức năng giả, nhái?