Các F0 khỏi bệnh cũng có thể bị chứng huyết khối và tình trạng rối loạn tự miễn dịch. Khoảng 20% người bị nhiễm có triệu chứng kéo dài 1 tháng, 10% không thấy khỏe lại sau 12 tuần, một số người rơi vào tình trạng cơ thể suy nhược. Theo WHO, đây chính là bệnh cảnh “Long Covid”, hay còn gọi là Covid kéo dài.
PGS.TS.BS Chu Thị Hạnh - Trưởng khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (Hà Nội) nhận định: “Virus SARS-CoV-2 gây tổn thương tới các tiểu phế nang trong phổi. Các mô sẹo này có thể dẫn đến vấn đề sức khỏe lâu dài liên quan tới khả năng hô hấp".
Theo PGS Hạnh, Covid-19 phá hủy các tế bào trong túi khí (phế nang) - vốn cần thiết cho việc trao đổi oxy và carbon dioxide. Đồng thời, tình trạng viêm không được kiểm soát làm suy yếu các tế bào còn lại. Ở bệnh nhân Covid-19, có một loại nguyên bào sợi trong phổi ngày càng tăng thúc đẩy nhanh quá trình xơ hóa phổi.
Chuyên gia khuyến cáo, sau mắc Covid-19, bệnh nhân nên tập các bài tập phục hồi chức năng phổi. Nhờ đó, tăng cường sức mạnh, cải thiện dung tích phổi.
Bài tập 1: Thở chủ động
.jpeg)
- Thở có kiểm soát: hít thở nhẹ nhàng trong 20 đến 30 giây.
- Căng giãn lồng ngực: hít thật sâu bằng mũi, nín thở 2 đến 3 giây và thở ra nhẹ nhàng lặp lại 3 đến 5 lần.
- Hà hơi: hít thật sâu, nín thở 2 đến 3 giây và tròn miệng hà hơi đẩy mạnh dòng khí ra ngoài. Lặp lại 1 đến 2 lần.
Bài tập 2: Thở bằng cơ hoành

- Tìm mặt phẳng thoải mái như giường hoặc sàn có trải thảm. Nằm sấp, gối đầu lên tay.
- Hít vào và thở ra trong 10 phút, tập trung vào việc hít thở sâu hơn so với bình thường.
Bài tập 3: Thở chúm môi

- Thư giãn các cơ ở cổ và vai.
- Hít vào từ từ bằng mũi (trong khoảng 2 giây) trong khi môi mím chặt.
- Mím môi như huýt sáo, sau đó từ từ thở ra. Đếm đến 4 khi thở ra và lặp lại nhiều lần.
Theo PGS.TS.BS Chu Thị Hạnh, người bệnh cần tiếp cận đa chuyên khoa để đánh giá và quản lý bệnh sau nhiễm Covid-19. Người bệnh cần ý thức việc tự chăm sóc, liên hệ với bác sĩ và bệnh viện. Nhờ đó, theo dõi lâu dài, nhằm hồi phục sức khỏe toàn diện.