Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gần đây tăng nhiệt trở lại với những màn “ăn miếng trả miếng” giữa Bình Nhưỡng và Seoul liên quan bong bóng rác và loa phóng thanh.
Căng thẳng bán đảo Triều Tiên gia tăng sau khi Triều Tiên tạo "cơn mưa bong bóng rác” sang Hàn Quốc. Đáp lại, Seoul nối lại các chương trình phát thanh tuyên truyền sau 6 năm.
Cuộc chiến “bóng” và “loa”
Triều Tiên bắt đầu thả bong bóng chứa rác sang Hàn Quốc từ ngày 28-5 nhằm đáp trả việc các nhà hoạt động Hàn Quốc gửi truyền đơn tuyên truyền chống chính quyền Bình Nhưỡng sang lãnh thổ Triều Tiên. Nhờ vào gió, những bong bóng này mang theo các loại rác như giấy vụn rơi xuống nhiều địa điểm ở Hàn Quốc, bao gồm thủ đô Seoul.
Binh sĩ Hàn Quốc kiểm tra một bong bóng bay chứa rác mà Triều Tiên thả sang. Ảnh: YONHAP
Trong một tuyên bố do hãng thông tấn KCNA đăng tải vào cuối ngày 29-5, bà Kim Yo-jong - em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un - khẳng định Bình Nhưỡng chỉ đơn giản đang thực hiện quyền tự do ngôn luận. Bà Kim nói thêm rằng những quả bóng bay là "món quà từ tận đáy lòng" dành cho những người Hàn Quốc mà “đang kêu gọi tự do ngôn luận”.
Đến ngày 2-6, Triều Tiên tuyên bố tạm ngừng gửi bóng bay nhưng đe dọa sẽ tiếp tục các hoạt động như vậy nếu phát hiện phía Hàn Quốc vẫn rải truyền đơn. Ngày 8-6, quân đội Hàn Quốc nói Triều Tiên nối lại hoạt động thả bong bóng chứa rác sang nước này.
Phản ứng lại việc Triều Tiên thả bóng bay chứa rác, ngày 3-6, Hàn Quốc đình chỉ thỏa thuận quân sự ký với Triều Tiên vào năm 2018. Với việc đình chỉ trên, Hàn Quốc sẽ có thể tiến hành các cuộc tập trận để tăng cường phòng thủ tiền tuyến gần Đường phân giới quân sự (MDL) và các đảo biên giới.
Ngày 4-6, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo nước này sẽ nối lại mọi hoạt động quân sự gần với Triều Tiên và các đảo phía tây bắc lần đầu tiên sau hơn 5 năm.
Ngày 9-6, Văn phòng tổng thống Hàn Quốc thông báo nước này sẽ lắp đặt loa phóng thanh gần biên giới và nối lại chương trình phát sóng tuyên truyền. Đây sẽ là lần đầu tiên Hàn Quốc nối lại chiến dịch loa phóng thanh gần biên giới liên Triều kể từ tháng 1-2016.
Theo Văn phòng tổng thống Hàn Quốc, biện pháp này sẽ khiến Bình Nhưỡng “khó có thể chịu đựng” nhưng chúng sẽ gửi đi thông điệp “ánh sáng và hy vọng” cho quân đội và công dân Triều Tiên, theo tờ Korea Times.
Đáp trả lại động thái của Hàn Quốc, bà Kim Yo-jong ngày 9-6 cảnh báo rằng nước này sẽ có "phản ứng mới" nếu các nhà hoạt động Hàn Quốc tiếp tục gửi truyền đơn chống Bình Nhưỡng và phát loa tuyên truyền tại biên giới hai nước, theo KCNA.
"Phản ứng của chúng tôi [việc thả bong bóng bay] lẽ ra sẽ kết thúc vào ngày 9, nhưng tình hình đã thay đổi… Hành động khiêu khích bằng loa phóng thanh [của Hàn Quốc] cuối cùng đã bắt đầu ở khu vực biên giới. Đây là khúc dạo đầu cho một tình huống rất nguy hiểm” - bà Kim nhấn mạnh.
Tới ngày 10-6, quân đội Hàn Quốc nói rằng họ phát hiện dấu hiệu dường như Triều Tiên đang lắp đặt loa phóng thanh ở khu vực biên giới.
“Chúng tôi đã xác định được dấu hiệu Triều Tiên đặt loa phóng thanh ở khu vực biên giới. Cho đến nay vẫn chưa có chương trình phát sóng nào phát ra từ loa phóng thanh và chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến tiếp theo cũng như duy trì mức độ sẵn sàng của quân đội” - Theo Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc.
Tác nhân khiến căng thẳng leo thang
Theo ông Park Won-gon - GS chuyên nghiên cứu Triều Tiên tại ĐH Nữ Ewha (Hàn Quốc), hành động thả bong bóng bay chứa rác của Triều Tiên là một chiến thuật hiệu quả, có thể khiến Hàn Quốc tức giận mà không tốn quá nhiều chi phí, theo tờ Korea Herald.
Ông Park chỉ ra rằng bất chấp việc Hàn Quốc nối lại các chương trình phát thanh dọc biên giới, Triều Tiên vẫn tiếp tục thả bong bóng bay.
Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Beom-chul nhận định rằng Triều Tiên sẽ trả đũa bằng nhiều quả bóng bay chứa rác hơn nếu những nhà hoạt động Hàn Quốc tiếp tục thả truyền đơn chống Bình Nhưỡng.
Một quả bong bóng bay chứa rác rơi trên lãnh thổ Hàn Quốc. Ảnh: YONHAP
Tuy nhiên ông Shin cho rằng chính phủ Hàn Quốc khó có thể ngăn chặn việc thả truyền đơn trên. Theo ông Shin, bên cạnh phán quyết của Tòa Tối cao Hàn Quốc hồi tháng 9-2023 rằng lệnh cấm thả truyền đơn chống Triều Tiên là vi hiến, việc hạn chế hoạt động này cũng “có thể đưa ra tín hiệu sai cho Triều Tiên”.
Một quan chức tại Văn phòng tổng thống Hàn Quốc nói rằng chính phủ không thể im lặng trước những hành động “gây ra sự xáo trộn và lo lắng” trong xã hội.
“Thậm chí các bong bóng bay không chứa các thành phần gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài hành động cứng rắn vì [bong bóng bay] tác động tới tâm lý xã hội” - theo quan chức này.
Các chuyên gia cảnh báo rằng việc Hàn Quốc nối lại các chương trình phát thanh tuyên truyền dọc biên giới có thể khiến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng vì hành động này được xem là công cụ chủ yếu trong chiến tranh tâm lý.
Ông Yang Moo-jin - Giám đốc ĐH Nghiên cứu Triều Tiên - cho rằng Bình Nhưỡng có thể tiến hành các hành động quân sự để trả đũa việc Seoul đình chỉ hoàn toàn thỏa thuận quân sự liên Triều năm 2018. Các hành động mà Triều Tiên có thể thực hiện gồm bố trí vũ khí hạng nặng dọc Khu phi quân sự, bắn pháo tại vùng biển phía tây bán đảo Triều Tiên hoặc đưa tàu thuyền vượt qua Đường giới hạn phía Bắc.