Bảo đảm chất lượng bữa ăn bán trú bằng kiểm tra đột xuất

04/11/2023, 17:26
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chất lượng bữa ăn bán trú trong nhà trường luôn là vấn đề các bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm.

Bếp ăn của Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1, TPHCM).
Bếp ăn của Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1, TPHCM).

Nâng cao dinh dưỡng bữa ăn

Chia sẻ về việc đảm bảo an toàn chất lượng bữa ăn học đường, theo ông Nguyễn Hữu Nhân - Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ), hằng năm, đơn vị đều ban hành các văn bản về phòng chống ngộ độc thực phẩm, đảm bảo bếp ăn an toàn, truyền thông sức khoẻ… Ngoài ra, trong lớp chính trị hè cho cán bộ quản lý, giáo viên, sở cũng lồng ghép tập huấn thêm nội dung này. Đặc biệt, sở rất quan tâm đến bữa ăn học đường cho học sinh mầm non và tiểu học.

“Về công tác kiểm tra, sau lễ khai giảng năm học mới, sở GD&ĐT và sở Y tế phối hợp liên ngành kiểm tra toàn diện công tác y tế trường học tại 9 quận/huyện, với xác suất mỗi địa phương có 2 đơn vị để đánh giá và đưa ra góp ý... Bên cạnh đó, thông qua kiểm tra chuyên môn, chúng tôi đặc biệt chú trọng các nội dung liên quan đến an toàn trường học, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc”, ông Nhân cho hay.

Tại Cần Thơ, để đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho học sinh, trường thực hiện theo tháp dinh dưỡng của Bộ Y tế, giúp trò nhận đủ chất cần thiết cho sự phát triển toàn diện. Ngoài ra, để lên thực đơn hằng ngày, trường tham khảo phần mềm Ajinomoto, góp phần cải thiện chất lượng bữa ăn. Ngành Giáo dục thành phố khuyến khích các trường tự nấu ăn để kiểm soát dễ hơn, đặc biệt trong quá trình di chuyển nhiều khi cũng nảy sinh vấn đề. Tuy nhiên do khó khăn, một số trường tiểu học trên địa bàn thành phố vẫn phải hợp đồng bên ngoài.

“Dù tự tổ chức hay hợp đồng thuê bên ngoài, đều phải thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm. Nhà trường phải triển khai công tác kiểm tra giám sát thức ăn mỗi ngày”, ông Nhân nhấn mạnh.

Tại TPHCM, một trong những nhiệm vụ y tế trường học năm học này là đảm bảo yêu cầu dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm trong tổ chức bữa ăn học đường. Trường học triển khai có hiệu quả thực đơn cân bằng dinh dưỡng, phù hợp lứa tuổi học sinh. Theo đại diện Sở GD&ĐT TPHCM, từ nay đến hết tháng 12/2023, sở phối hợp Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM tổ chức các lớp tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm tại trường học, đồng thời phối hợp với ngành y tế kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Liên quan đến vấn đề dinh dưỡng suất ăn, bác sĩ Đặng Ngọc Hùng thông tin, tiêu chuẩn chung của thực đơn phải có trên 10 loại thực phẩm: Thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa và thực vật như đậu đỗ, lạc, vừng. Thực đơn bữa trưa có 2 - 3 loại thực phẩm cung cấp chất đạm, nên có 1 loại thực phẩm nguồn hải sản.

Thực đơn đa dạng về các loại rau, củ và quả chín (3 - 5 loại). Khuyến cáo định lượng rau củ bữa trưa của trẻ em tiểu học là 80 - 120g rau sống sạch và trẻ mẫu giáo là 60 - 80g rau sống sạch cho bữa trưa (bữa chính). Hạn chế sử dụng thực phẩm đóng gói và chế biến sẵn như: Xúc xích, lạp xưởng, giò, chả lụa,…

Chị Đặng Thị Dưng có con học Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ: “Giám sát bữa ăn bán trú vô cùng quan trọng vì các con đang ở độ tuổi non nớt, phụ thuộc phần lớn vào bố mẹ và nhà trường. Vì thế, cha mẹ, nhà trường, chính quyền địa phương cần quyết liệt quan tâm, giám sát bữa ăn bán trú, cũng là để bảo vệ sức khỏe, quyền lợi cho các con”.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/bao-dam-chat-luong-bua-an-ban-tru-bang-kiem-tra-dot-xuat-post659908.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/bao-dam-chat-luong-bua-an-ban-tru-bang-kiem-tra-dot-xuat-post659908.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảo đảm chất lượng bữa ăn bán trú bằng kiểm tra đột xuất