Trong đó, giáo dục cơ bản đảm bảo cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng, tại giai đoạn này, Lịch sử là môn bắt buộc. Giáo dục định hướng nghề nghiệp bảo đảm cho học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn sau phổ thông có chất lượng, ở giai đoạn này, Lịch sử được bố trí là bộ môn học trong tổ hợp khoa học xã hội.
Như vậy, môn Lịch sử được dạy ở tất cả các trường THPT, bảo đảm sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên lịch sử hiện có. Một số ý kiến của cử tri cho rằng, môn Lịch sử là môn lựa chọn, dẫn đến việc “khai tử” môn Lịch sử, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh điều đó không đúng.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, môn lịch sử được phân theo hai giai đoạn như vậy vẫn đảm bảo được chất lượng giáo dục. Trước các ý kiến của cử tri, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT lắng nghe ý kiến của cử tri, ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam liên quan đến chương trình giáo dục môn Lịch sử cấp THPT; tổ chức hội thảo với các cơ quan, đơn vị liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học để thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện, đề xuất phương án phù hợp, bảo đảm việc học tập môn Lịch sử luôn được tăng cường và chú trọng.