"Đây là các yếu tố có thể khiến xung đột leo thang. Về vấn đề đạn chùm, khả năng đáp trả của Nga là rất mạnh", Song Zhongping, chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh, nói trên tờ Hoàn Cầu hôm 23/7.
Giao thông trên cầu Crimea trong tuần qua liên tục bị đình trệ vì các vụ tấn công của Ukraine.
"Cuộc xung đột có dấu hiệu leo thang gây ra thêm thiệt hại và tạo thêm sức ép cho các bên. Tác động của xung đột đã mở rộng từ quân sự sang chính trị và kinh tế", Zhang Hong, chuyên gia đến từ Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói trên tờ Hoàn Cầu.
Nga không tiếp tục gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen là một biện pháp mang ý nghĩa kinh tế và ngoại giao nhằm tìm cách dỡ bỏ cấm vận do phương Tây áp đặt. Điều đó cũng tiềm ẩn nguy cơ khiến Ukraine gặp thêm khó khăn về kinh tế, ông Zhang nói. Trước đó, Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố chính thức, kêu gọi các bên liên quan hành động vì mục tiêu duy trì an ninh lương thực quốc tế, giảm bớt khủng hoảng lương thực ở các nước đang phát triển, hợp tác với các cơ quan Liên Hợp Quốc để tăng cường đối thoại và tham vấn, tìm kiếm một giải pháp cân bằng cho mối quan tâm chính đáng của tất cả các bên và sớm nối lại thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc và phân bón từ Nga và Ukraine.
"Nga đã đưa ra một số điều kiện để nối lại thỏa thuận nhưng phương Tây nhiều khả năng sẽ không chấp nhận và điều này càng khiến căng thẳng leo thang", ông Song nhận định.
Vấn đề lớn nhất hiện nay là không có dấu hiệu cho thấy các bên hướng tới một cuộc đàm phán hòa bình và xung đột sẽ vẫn kéo dài, ông Song nói thêm.
Theo ông Cui Heng, chuyên gia tại Đại học Sư phạm Hoa Đông, chỉ khi nào các bên đạt được một thỏa thuận về việc Ukraine ngừng tấn công các cơ sở hạ tầng dân sự Nga, bao gồm cầu Crimea, căng thẳng mới có thể hạ nhiệt và thỏa thuận ngũ cốc mới có cơ sở được nối lại.
"Phản ứng của Nga với Ukraine là rất mạnh, đặc biệt là những gì xảy ra ở Odessa. Điều đó cho thấy cam kết tiếp tục duy trì xung đột của Nga là rất đáng kể", ông Cui nói.