- Đo chức năng hô hấp: Bệnh nhân sẽ được sử dụng hô hấp kí, đo lưu lượng đỉnh trước và sau khi sử dụng thuốc giãn phế quản. Nếu chức năng phổi cải thiện sau khi dùng thuốc giãn phế quản thì bệnh nhân có khả năng bị hen phế quản.
- Chẩn đoán hình ảnh: X-Quang ngực hay CT Scan đế đánh giá những bất thường.
- Một số xét nghiệm khác: Xét nghiệm Methacholin, xét nghiệm NO, xét nghiệm bạch cầu ưa acid trong đàm… có thể hữu ích trong một số trường hợp.
Điều trị hen phế quản
Hen phế quản khó có thể khỏi hoàn toàn. Mục tiêu dài hạn của điều trị hen là kiểm soát tốt triệu chứng và duy trì khả năng hoạt động bình thường. Giảm thiểu nguy cơ trong tương lai gồm tử vong do hen, đợt cấp, giới hạn luồng khí dai dẳng và tác dụng phụ của thuốc.
Điều trị hen là chu trình liên tục bao gồm: Đánh giá mức độ của bệnh nhân, điều chỉnh thuốc và đánh giá đáp ứng, có thể tăng bậc hoặc giảm bậc điều trị hen.
Thuốc điều trị hen được chia thành 3 loại chính:
- Thuốc kiểm soát hen phế quản dài hạn (thuốc dự phòng): Là các thuốc dùng duy trì để điều trị bệnh hen giúp làm giảm nguy cơ đợt cấp và hỗ trợ chức năng hô hấp nhờ tác dụng kiểm soát tình trạng viêm đường thở.
- Thuốc cắt cơn hen tác dụng nhanh: là các thuốc dùng để cắt cơn hen và giảm triệu chứng, khi bệnh nhân có cơn khó thở hoặc đợt cấp hen. Giảm nhu cầu hoặc không cần dùng thuốc cắt cơn hen là mục tiêu quan trọng của điều trị hen.
- Thuốc điều trị phối hợp đối với hen nặng: Đây là các thuốc được xem xét khi bệnh nhân có triệu chứng hen dai dẳng và/hoặc vẫn còn đợt cấp dù đã tối ưu hóa điều trị bằng liều cao của thuốc dự phòng, thuốc cắt cơn và đã phòng tránh các yếu tố nguy cơ.
Sự lựa chọn phương pháp điều trị cụ thể tùy thuộc vào tuổi, triệu chứng, yếu tố khởi phát, bậc hen và các yếu tố kiểm soát bệnh. Bệnh nhân cần được theo dõi và tái khám, để có thể đánh giá mức độ kiểm soát hen trên bệnh nhân, từ đó có những điều chỉnh phù hợp về kế hoạch điều trị trong thời gian tiếp theo.