Thực tế trên cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều sinh viên bị buộc thôi học hoặc ra trường không đúng hạn. Năm ngoái, Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM đã đưa thông báo hơn 1.000 sinh viên dự định bị buộc thôi học hoặc cảnh báo học vụ.
PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch - Trưởng ban Quản lý đào tạo (Học viện Tài chính) cho hay, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 200 sinh viên ra trường không đúng hạn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này: Sinh viên muốn cải thiện điểm, xếp loại bằng tốt nghiệp của mình nên xin hoãn xét tốt nghiệp. Có em chưa đạt chuẩn đầu ra về trình độ ngoại ngữ. Tuy nhiên, cũng không ít sinh viên chọn sai ngành, trường dẫn đến mất động lực học tập nên nợ môn...
Thí sinh và phụ huynh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2023. Ảnh: Đình Tuệ |
Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2023 (ngày 19/3), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn thông tin, mỗi năm có hơn 600.000 học sinh đứng trước ngưỡng cửa bước vào các trường cao đẳng, đại học. Sau năm thứ nhất, nhiều em nhận ra ngành học, trường học mà mình lựa chọn chưa hẳn đã phù hợp với bản thân.
Theo Thứ trưởng, nhiều học sinh chưa biết tận dụng hết cơ hội để xét tuyển vào trường cao đẳng, đại học, ngành học, trường học mà mình mong muốn. Thông qua hoạt động tư vấn tuyển sinh, Thứ trưởng hy vọng học sinh sẽ xác định đúng năng lực, sở trường, sở thích và điều kiện thực tế. Trên cơ sở đó lựa chọn cho mình ngành học và ngôi trường phù hợp nhất, định hướng cho nghề nghiệp sau này. “Tôi mong các bậc phụ huynh cùng tham gia tư vấn để đồng hành, củng cố niềm tin, giúp các em có lựa chọn đúng đắn” - Thứ trưởng nhấn mạnh.
PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo (Trường ĐH Ngoại thương) tư vấn, thí sinh có thể lựa chọn lĩnh vực, ngành học mình yêu thích và muốn học. Sau đó, các em chọn các trường có ngành đào tạo đó, rồi xếp thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Nếu thí sinh chưa biết mình thích gì thì có thể lựa chọn ngành học liên quan tới môn học là thế mạnh của mình. “Thế mạnh là môn Ngoại ngữ, các em có thể chọn các môn học xét tuyển với tổ hợp có môn Ngoại ngữ. Hơn nữa, môn Ngoại ngữ cũng là lợi thế để học tập và sử dụng trong công việc sau này” - PGS.TS Vũ Thị Hiền viện dẫn.
Đứng ở góc độ nhà tuyển dụng, ông Đào Văn Phúc – Công ty Pure Nutrition khuyến nghị: Thí sinh nên lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân. Các em không nên chạy theo ngành “hot” để đăng ký xét tuyển, vì nhu cầu về nhân lực của xã hội biến đổi không ngừng… Trước khi đăng ký xét tuyển, sĩ tử cần tìm hiểu kỹ về ngành nghề định theo đuổi và chọn trường để theo học. Đặc biệt, các em cần tham khảo ý kiến của bố mẹ, người thân, thầy, cô giáo và chuyên gia để có lựa chọn đúng đắn.
Luật sư Trịnh Hữu Chung cho rằng, chỉ có yêu nghề, lành nghề mới là yếu tố quyết định đưa tới thành công. Vì thế, chọn nghề nghĩa là chọn cho mình một tương lai. Khi còn là học sinh lớp 11, các em cần suy nghĩ, tìm hiểu ngành nghề mà mình mong muốn theo đuổi. Lên lớp 12, các em sẽ căn cứ kết quả học tập để có lựa chọn phù hợp. Chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ có kết quả tốt.