Trồng người

Bí quyết giúp bé đam mê đọc sách

Phạm Hoa 03/05/2024 06:45

(GDTĐ) - Đọc sách giúp trẻ phát triển trí tuệ và cảm xúc, tuy nhiên, nhiều bé lại không tỏ ra hứng thú với việc đọc sách khiến cha mẹ lo lắng. Những bí quyết dưới đây có thể giúp cha mẹ từng bước rèn cho bé thành một người ham đọc sách hơn.


Đọc sách cho con nghe từ khi con còn nhỏ: Để trẻ quen với việc đọc sách, bạn nên cho trẻ làm quen với sách càng sớm càng tốt. Bằng cách đọc sách cho con nghe vào mỗi buổi tối sau khi ăn cơm hoặc trước khi đi ngủ, cha mẹ vừa có thể giáo dục con qua những câu chuyện trong sách vừa tạo tạo cho con thói quen đọc sách để việc đọc sách trở thành một phần không thể thiếu hằng ngày.

Duy trì hứng thú đọc sách của con: Đặt câu hỏi cho con về nội dung cuốn sách mà chúng đang đọc để nắm bắt mức độ hiểu biết của con, kích thích con tìm hiểu để giữ hứng thú với việc tiếp tục đọc. Việc tìm tòi ra câu trả lời cho các câu hỏi của cha mẹ cũng giúp con kích thích trí não, phát triển chỉ số IQ.

Đọc sách cũng có thể trở thành một hoạt động bổ ích. Hãy khiến nó trở nên thú vị bằng cách tạo ra một nơi giải trí để đọc sách chẳng hạn như một ổ đọc sách thật thoải mái và ấm áp cho con. Bạn cũng có thể cùng con đọc sách để con cảm thấy có người đồng hành.

Dạy cho trẻ những câu thơ, những bài hát: Khi trẻ lớn dần lên, trẻ bắt đầu làm quen với các vần thơ, những đoạn nhạc, những bài hát. Nhiều bài thơ hay, nhiều đoạn nhạc vẫn còn vang vọng trong trí óc khi trẻ đã trưởng thành! Những bài thơ, bài hát là cách tốt nhất giúp trẻ phát triển trí nhớ và có tình yêu đối với văn học! Trẻ có thể ca hát khi đi dạo bộ ngoài công viên với bố mẹ với bạn bè hoặc vừa làm giúp việc vặt trong gia đình vừa ca hát, thêm vào đó trẻ có vài điệu bộ như đang nhảy múa, khiêu vũ.

image.png

Tạo niềm hứng thú, ham thích đọc sách: Việc để trẻ có niềm ham thích không phải dễ dàng chút nào mà cần thời gian và kiên nhẫn của bố mẹ. Phải biết cách khơi dậy niềm ham thích nơi trẻ. Bố mẹ vừa đọc cuốn sách tạp chí hay, bạn hãy kể cho trẻ nghe, khi trẻ nhìn thấy vẻ đam mê, nhiệt tình của bố mẹ thì trẻ cũng sẽ bị cuốn hút theo.

Tăng thêm vốn từ cho trẻ: Tùy theo khả năng của trẻ, trẻ có thể cầm sách đọc câu chuyện hay trẻ và bạn thay phiên nhau đọc. Sau đó bạn yêu cầu trẻ chọn ra những đoạn thấy thích nhất hoặc những từ lạ, từ mới đối với trẻ. Khi trẻ nghe những lời giải thích, cũng có thể hỏi bố mẹ và khi những thắc mắc không còn nữa thì những từ, những khái niệm mới sẽ lưu lại ở trẻ lâu hơn.

Hãy tận dụng những trò chơi để phát huy kỹ năng đọc, viết của trẻ: Khi trẻ đi công viên, đi tham quan hay đi du lịch… sau những dịp đó khuyến khích động viên trẻ nên có những đoạn văn ngắn về những cảm nghĩ, những bài học… rút ra từ những cuộc dã ngoại đó.

Hãy đọc cho trẻ nghe nhiều câu chuyện: Nhiều trẻ khi được nghe những mẩu chuyện, những bài văn hay… đôi lúc trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của trẻ. Mỗi câu chuyện mà trẻ lĩnh hội được sẽ giúp trẻ hiểu thêm về những khái niệm mới và mở rộng những lĩnh vực mà trẻ yêu thích và quan tâm.

Tạo tủ sách nhỏ và một không gian “lý tưởng”: Không gian dành để đọc sách đóng vai trò hết sức quan trọng, không gian ấy phải gần kề với tủ sách, có ghế tựa thoải mái, với màu sắc thật vui nhộn và bắt mắt. Chính không gian đầy cuốn hút và tiện nghi đã khơi dậy, giúp trẻ nuôi dưỡng lòng đam mê đối với sách.

Thường xuyên đưa trẻ đi thư viện: Ngay từ khi còn bé, các bậc phụ huynh Mỹ đã thường xuyên đưa con đến thư viện để tạo thói quen mượn sách và tra cứu tại thư viện. Ngay cả chương trình học ở lớp cũng có nhiều bài tập yêu cầu các em đến thư viện tìm tòi, nghiên cứu và mượn sách truyện về đọc hàng ngày.

Để kích thích tình yêu đọc sách và khuyến khích các em đến thư viện, các thư viện cũng rất chú trọng vào việc tổ chức các hoạt động bổ ích, các lớp học miễn phí cho các em. Đặc biệt, các bạn nhỏ rất thích và hào hứng tham gia các chương trình thi đua đọc sách như đọc sách kiếm phần thưởng, đọc 1000 cuốn sách trước khi vào cấp 1.

Thư viện đã trở thành chốn thân thuộc để các bạn nhỏ thoải mái vui chơi và tham gia các hoạt động thú vị. Nhiều bạn thậm chí còn được bố mẹ làm cho thẻ thư viện riêng để tập tự mượn và trả sách theo ý mình.

Biến sách thành những câu chuyện vui, hài hước, hóm hỉnh: Trẻ không thể hình dung việc đọc sách quan trọng như thế nào chính vì vậy bạn hãy biến sách thành những câu chuyện càng vui nhộn, càng hóm hỉnh thì càng dễ đi vào tâm trí của trẻ.

Hãy biến sách càng gần gũi với đời sống hằng ngày thông qua việc tương tác với trẻ bằng những nhân vật mà chúng thích. Khi đọc sách bạn có thể minh họa bằng những thú nhồi bông trong nhà bạn hay đơn giản là bạn hóa thân vào nhân vật trong sách, khi trẻ cảm thấy hứng thú với những nhân vật ấy, chúng sẽ chủ động tìm những điểm hay trong sách.

Khuyến khích trẻ tìm kiến thức từ sách: Khi trẻ hỏi bạn về một vấn đề nào đó, bạn có thể giải thích cơ bản cho chúng về vấn đề mà chúng đang quan tâm. Khi giải thích xong bạn khuyến khích chúng tìm thêm kiến thức đó từ quyển sách khác. Khi căn nhà của bạn đã có nhiều sách, văn hóa đọc sách sẽ lớn dần lên cùng với trẻ và việc đọc sách sẽ diễn ra một cách tự nhiên như cách chúng lớn vậy.

Hãy khuyến khích trẻ đọc một quyển sách nhiều lần vì mỗi lần chúng sẽ cảm nhận một cách khác nhau. Quan điểm đọc 101 lần tốt hơn đọc 100 lần cũng chính từ đây mà ra.

Cha mẹ hãy là tấm gương cho con: Khi ba mẹ ham mê đọc sách, các bé cũng có khuynh hướng bắt chước theo, tất nhiên hành động đọc sách của cha mẹ phải diễn ra đủ thường xuyên để bé thấy. Có nhiều cách để các bậc phụ huynh truyền cảm hứng và đồng hành cùng các bạn nhỏ trong quá trình chinh phục tình yêu với sách như hào hứng thảo luận về sách mình đang đọc, kể lại ngắn gọn nội dung thu hút của một cuốn sách hay tìm cho trẻ những cuốn sách hợp sở thích… Chỉ cần các bậc cha mẹ chịu bỏ thời gian cùng đọc và trò chuyện với con mỗi ngày, tương lai về những đứa trẻ yêu sách có lẽ sẽ không còn xa.

Hãy tạo thói quen đọc sách mỗi ngày ở trẻ: Nên tạo thói quen cho trẻ, dần dần trẻ sẽ thích thú. Với những trẻ nhỏ nên mua những loại sách đặc biệt (thường có nhiều tranh ảnh). Đối với trẻ, bố mẹ chính là những người thầy vĩ đại nhất, do đó những thói quen hàng ngày của bố mẹ thường được các trẻ “bắt chước” theo. Việc này không chỉ giúp trẻ có được trí thông minh, sự tưởng tượng và có vốn từ phong phú mà còn nâng cao kỹ năng giao tiếp xã hội của trẻ sau này.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bí quyết giúp bé đam mê đọc sách