Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng muốn an toàn cho người dân thì nhà nước phải có trách nhiệm, nguồn vốn dành cho việc cần thiết thì nhà nước bỏ ra và nên rộng rãi. Cải tạo chung cư cũ phải gắn với tái thiết đô thị và quy định thời hạn sở hữu chung cư mới giải quyết được vấn đề. Thay vì cách làm cải tạo từng tòa chung cư thì nên cải tạo chung cư theo từng khu.
Bí thư Đinh Tiến Dũng nêu ví dụ nơi nào có 4 đến 5 tòa chung cư cũ, mỗi tòa 4 đến 5 tầng thì khi đầu tư xây dựng lại, chỉ làm 1 đến 2 tòa và làm cao tầng hơn, còn bên dưới để làm không gian thương mại và dịch vụ, tầng hầm, bãi đỗ xe… Làm như vậy người dân sẽ có không gian sống bảo đảm hơn và nhà đầu tư cũng có lợi ích, còn cách làm cuốn chiếu như hiện nay là không ổn.
Về đề xuất quy định thời hạn nhà chung cư mà nhiều đại biểu phát biểu, Bí thư Đinh Tiến Dũng cho rằng khi quy định chung cư có thời hạn, nhà nước có trách nhiệm bảo vệ cuộc sống người dân, cưỡng chế di dời khi chung cư xuống cấp, nguy hiểm cũng là bình thường vì lợi ích của người dân; khi chưa đến thời hạn hoặc sát đến thời hạn rồi mà chung cư xuống cấp, người dân tự nguyện đồng tình thì nhà nước cũng đứng ra làm.
"Vừa qua, Hà Nội lo sốt vó vì sợ rủi ro cháy nổ, nếu mà động đất thì không biết hậu quả thế nào. Bên cạnh đó còn thực tế nhiều nhà lắp ghép, cơi nới nên rất áp lực, lo lắng" - Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu thực tế.
Khẳng định việc cải tạo chung cư phải gắn với tái thiết đô thị, Bí thư Đinh Tiến Dũng cho rằng trường hợp nếu sở hữu chung cư không có thời hạn, đến lúc công trình xuống cấp, hỏng hóc và yêu cầu nhà nước phải có trách nhiệm thì cần phải tính toán lại.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường bày đồng tình với dự thảo cũ của Bộ Xây dựng theo hướng chung cư phải có thời hạn của công trình. Trong trường hợp chung cư hết thời hạn, kiểm định vẫn tốt thì tiếp tục sử dụng, còn không bảo đảm thì phá dỡ.
Theo đại biểu Cường, nhà chung cư sở hữu dài hạn có giá 40 triệu/m2, nhưng chỉ sở hữu 50 năm thì giá chỉ 30 triệu/m2. Đại biểu Cường đặt câu hỏi giá chênh lệch rất nhiều như vậy thì ai là người hưởng lợi? Theo đại biểu, quy định như hiện nay thì chính chủ đầu tư hiện nay là đơn vị được hưởng lợi. Đưa ra thời hạn, nhiều ý kiến phản đối vì lợi ích của chủ đầu tư.
Đại biểu Cường cho rằng đất dành xây dựng nhà chung cư không nên có sổ đỏ vĩnh viễn mà nên là đất thuê có thời hạn 50-70 năm. Nếu quy định như vậy, tiền thuê đất sẽ rẻ hơn rất nhiều và người mua nhà sẽ được hưởng lợi.
Đại biểu Nguyễn Trúc Anh (Bí thư Huyện ủy Hoài Đức, TP Hà Nội) cho biết ở nhiều nước, tỉ lệ nhà ở có niên hạn sử dụng chiếm 70%, nhà ở lâu dài chiếm 30%. Xu hướng vợ chồng trẻ ở đô thị hiện nay cũng muốn sở hữu nhà có niên hạn hơn là tài sản mang tính kế thừa. Do vậy, đại biểu ủng hộ quy định chung cư có niên hạn.