Biến tướng dạy thêm, học thêm: Rà soát xong rồi sao?

Hà Linh, | 14/10/2023, 09:24
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Theo các chuyên gia giáo dục, vấn nạn dạy thêm, học thêm nhiều năm nay không thể dẹp bỏ là vì “có cung ắt có cầu”. Bộ GD&ĐT yêu cầu 63 tỉnh/thành phố kiểm tra, rà soát và báo cáo về thực trạng dạy học ngoài giờ chính khóa để chấn chỉnh.

Trao đổi với PV, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, cách đây ít ngày sở này đã có cuộc họp, chấn chỉnh hơn 2.800 cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện đúng các quy định, trong đó có cả việc dạy thêm, học thêm. “Sở GD&ĐT sẽ lập các đoàn kiểm tra đồng loạt kiểm tra các cơ sở giáo dục về vấn đề thu chi, dạy thêm học thêm, dạy học bổ trợ, liên kết trong trường học. Nếu phát hiện cơ sở vi phạm sẽ xử lý nghiêm”, ông Cương nói.

Ông Cương thừa nhận, thời gian qua dư luận phản ánh nhiều về tình trạng vi phạm quy định dạy thêm, học thêm và hiện tượng này có xảy ra. Quan điểm của ngành giáo dục là phải thực hiện đúng theo quy định của Bộ GD&ĐT cũng như quyết định của UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, trên thực tế có những tình huống phát sinh khó khăn.

Nếu mỗi ngày, học sinh học không quá 7 tiết, trong đó buổi sáng học 4-5 tiết, buổi chiều có hôm chỉ học 2 tiết sẽ tan trường rất sớm. Trong khi đó, phụ huynh vẫn chưa tan sở, không có người đưa đón con. Một số phụ huynh lại nhờ giáo viên trông hộ, dạy giúp nhưng thực tế vẫn có sự lợi dụng để làm sai. “Chúng tôi vẫn phải thực hiện đúng, xử lý nghiêm theo quy định”, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nói.

Liên quan đến vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Xuân Thành cho biết, Bộ GD&ĐT vừa có văn bản yêu cầu 63 sở GD&ĐT kiểm tra, rà soát thực trạng và báo cáo về đơn vị trước ngày 15/10.

Áp lực thi cử nặng nề, khó cấm

Thầy Đinh Đức Hiền, Trưởng khối phổ thông, Trường Phổ thông liên cấp FPT cho rằng, nếu học thêm xuất phát từ nhu cầu học sinh, gia đình sẽ không xấu; cái xấu, gây bất bình đối với phụ huynh hiện nay là dạy thêm trong nhà trường và phụ huynh phải “tự nguyện bắt buộc”. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do việc học tập, thi cử hiện nay vẫn nặng nề, có tính cạnh tranh cao. Điều này biểu hiện rõ nhất trong kỳ thi vượt cấp lên lớp 10 THPT, thi tuyển trường THCS chất lượng cao.

Biến tướng dạy thêm, học thêm: Rà soát xong rồi sao? - Ảnh 1.

Dạy thêm, học thêm gây nhiều bức xúc trong dư luận. Ảnh: Quỳnh Anh

“Thực tế phụ huynh vẫn có nhu cầu cho con đến các trung tâm dạy thêm nhưng họ sẽ phản ứng với việc giáo viên dùng quyền lực mềm để kéo học sinh ra ngoài học thêm hay bớt xén chương trình chính khóa để dạy thêm, gây sức ép cho học sinh không học”, thầy Hiền nói.

Thầy Hiền cho rằng, phụ huynh Việt Nam đang chi số tiền rất lớn đầu tư cho giáo dục. Tuy nhiên, người ta băn khoăn về tính hiệu quả, tính cần thiết của các chương trình liên kết đi vào nhà trường hiện nay. Trong bối cảnh áp lực thi cử vẫn rất lớn, phụ huynh coi trọng bằng cấp, kỳ vọng con cái luôn phải tốp 1, đỗ trường điểm nên nhu cầu học thêm sẽ vẫn phổ biến, rất khó cấm quản. Một trong những hành lang pháp lý quan trọng nhất để quản học thêm, dạy thêm hiện nay chính là Thông tư 17 của Bộ GD&ĐT ra đời từ năm 2012 trong khi chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã áp dụng năm nay là năm thứ 4. Năm 2016, Thông tư 17 bị bãi bỏ nhiều điều, trong đó có cả nội dung liên quan việc cấp phép, tiêu chuẩn cơ sở dạy thêm, điều kiện giáo viên dạy thêm…

"Hiện nay, giáo dục tiến tới miễn học phí đối với bậc học phổ cập nhằm giảm áp lực kinh tế cho người dân nhưng thực tế tiền học thêm cao gấp chục lần tiền học phí, như vậy là không được".

GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư

“Như vậy, rõ ràng thiếu hành lang pháp lý quan trọng để quản lý vấn đề nóng này. Hằng năm, Bộ GD&ĐT vẫn có các văn bản chỉ đạo tuy nhiên cũng chỉ phần nào ‘vá’ lỗ hổng của Thông tư 17. Chưa kể, Bộ GD&ĐT đưa ra quy định nhưng trách nhiệm kiểm tra, giám sát chủ yếu thuộc về các địa phương, hiệu trưởng và còn phụ thuộc cả lương tâm nhà giáo”, thầy Hiền nói.

TS Nguyễn Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho rằng, muốn hạn chế được tình trạng này, đầu tiên phụ huynh phải thay đổi nhận thức, không gây quá nhiều áp lực học tập lên con cái. Thứ hai là chương trình giáo dục phổ thông mới phải thật sự giảm tải, giảm áp lực thi cử, thành tích vì nếu kiến thức vẫn nặng nề, phụ huynh sẽ buộc phải cho con đi học thêm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Biến tướng dạy thêm, học thêm: Rà soát xong rồi sao?