Theo tinh thần xã hội hóa biên soạn SGK tại Nghị quyết 88 thì các đơn vị tham gia biên soạn SGK là cá nhân hoặc các tổ chức (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, cá nhân).
Các doanh nghiệp này hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Xuất bản, Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Cạnh tranh.
Tại các văn bản pháp luật này đã có các quy định về tài chính cho việc biên soạn sách nói chung và SGK nói riêng. Tuy nhiên, giá SGK có tác động rất lớn đến xã hội, cần được kiểm soát chặt chẽ. Do đó, ngày 3/7/2020, Chính phủ đã có Tờ trình số 314/TTr-CP trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề xuất đưa SGK vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá vào các kỳ họp của ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XV từ năm 2020 nhưng chưa được Quốc hội thông qua.
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Giá, trong đó quy định SGK là mặt hàng do nhà nước định giá. Thực hiện quy định này, Chính phủ đã và đang chỉ đạo Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng giá trần đối với SGK. Việc quy định giá trần SGK là cơ chế tài chính bảo đảm công bằng trong biên soạn và sử dụng SGK.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT và các bộ, cơ quan liên quan thực hiện quyết liệt các giải pháp để bảo đảm SGK, tài liệu giáo dục, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu SGK; rà soát chính sách, pháp luật để kịp thời sửa đổi, ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, ban hành theo thẩm quyền, tránh xảy ra sơ sở, lợi dụng chính sách làm ảnh hưởng đến chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về chương trình, SGK giáo dục phổ thông.
Việc in SGK và tài liệu giáo dục phổ thông cần được tổ chức đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch theo đúng quy định; bảo đảm yêu cầu tăng chất lượng, giảm giá thành. Đề xuất sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ SGK cho học sinh thuộc đối tượng chính sách, có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh gia đình khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo; mua SGK đưa vào thư viện nhà trường để học sinh mượn sử dụng.