Công thức tính như sau: Phụ cấp ưu đãi được hưởng = Lương cơ sở x (hệ số lương hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo + % phụ cấp thâm niên vượt khung theo hệ số) x tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi.
Phụ cấp ưu đãi được trả cùng kỳ lương hàng tháng (kể cả nghỉ hè), do trường và ngân sách nhà nước chi trả. Khoản này không dùng để tính bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết việc thực hiện chế độ phụ cấp với nhà giáo thời gian gần đây gặp một số vướng mắc, chủ yếu liên quan đến công tác xác định các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Nguyên nhân của tình trạng này là do các văn bản cũ hết hiệu lực, nhiều địa phương chia, tách, sáp nhập. Theo Bộ, chính sách mới sẽ khắc phục được những khó khăn này, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của giáo viên, tạo sự công bằng và minh bạch khi chi trả chế độ.
Trước đó, đề xuất tăng lương, phụ cấp, đặc biệt với giáo viên mầm non và tiểu học được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đưa ra trước Quốc hội hôm 4/11. Bộ trưởng Sơn cho rằng việc này để chặn và giảm tình trạng giáo viên thôi việc. Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước có khoảng 16.000 giáo viên bỏ việc.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo nói giáo viên dạy bậc mầm non rất vất vả, áp lực cao khi phải vừa dạy, vừa dỗ, vừa chăm sóc nhưng thu nhập của họ lại thấp nhất, người mới vào nghề tiền lương chỉ 3-4,5 triệu đồng mỗi tháng. Giáo viên mầm non ở các vùng đặc biệt khó khăn thì được trợ cấp ưu đãi, cộng thêm phụ cấp thu hút của địa phương, sau 5 năm công tác tiền lương có thể đạt 6 triệu đồng một tháng, nhưng số lượng không nhiều. Những giáo viên này phải làm việc trong môi trường đặc biệt khó khăn, mức lương đó chưa tương xứng công sức.
Sau khi lấy ý kiến cho dự thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trình Chính phủ vào tháng 2/2023.