Việc áp dụng hệ thống thang bảng lương hiện hành chưa theo vị trí việc làm và tính chất mức độ phức tạp của công việc (chẳng hạn: giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học ở cùng một hạng có chung một bảng lương), trong khi mức lương cơ sở còn thấp so với lương tối thiểu. Do đó, bộ phận giáo viên trẻ có thu nhập thấp hơn lương tối thiểu vùng, trong khi họ phải tham gia đào tạo ít nhất 3 năm. Khoảng cách giữa các bậc lương còn thấp (0,20; 0,31; 0,33...) nên việc tăng lương chưa cải thiện nhiều thu nhập của giáo viên.
Bên cạnh đó, hệ thống chính sách còn tản mạn, một số văn bản quản lý chưa thực sự đồng bộ, chưa rõ và thiếu sự thống nhất dẫn đến việc áp dụng chính sách cho nhà giáo tại địa phương gặp nhiều khó khăn (chẳng hạn: Việc phân định vùng núi, vùng cao; chế độ chính sách đối với trường liên cấp, phụ cấp cán bộ quản lý theo hạng trường,...).
Việc tham mưu ban hành các chính sách cho người dạy, người học ở vùng trung du miền núi phía Bắc vẫn còn một số hạn chế, bất cập về đối tượng, định mức, thời gian hưởng, phương thức hỗ trợ,… việc triển khai một số chính sách có lúc, có nơi chưa kịp thời, thiếu đồng bộ,… Những hạn chế, khó khăn trên ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển giáo dục-đào tạo của vùng.
Chia sẻ vềgiải pháp thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất xây dựng chính sách tiền lương mới; trong đó lương của nhà giáo sẽ được trả tương xứng tính chất mức độ phức tạp của công việc và đặc thù nghề nghiệp và không thấp hơn mức lương hiện hưởng, mặc dù trong xây dựng chính sách tiền lương mới, nhà giáo không có bảng lương riêng và phụ cấp thâm niên như hiện nay.
Đồng thời, có chính sách cải thiện điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ, tạo động lực cho cán bộ, giáo viên cống hiến và gắn bó với nghề, chú trọng hỗ trợ và trao quyền cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thông qua các cơ hội phát triển liên tục trong nghề nghiệp.
Liên quan đến chính sách tiền lương, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, lương của viên chức sự nghiệp giáo dục so với mặt bằng các viên chức khác có thể cao hơn; nhưng với đặc thù nghề nghiệp thì chưa đáp ứng được yêu cầu.
Chia sẻ bất cập này không chỉ riêng với giáo dục, theo bà Phạm Thị Thanh Trà, bởi chúng ta vẫn đang thực hiện theo quy định từ năm 2004, đến nay đã rất lỗi thời.
Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Chúng ta đang triển khai các thể chế để hoàn thiện, thực hiện chính sách tiền lương này.
Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, do tác động của dịch bệnh Covid-19, nên thời điểm áp dụng Nghị quyết 27 được lùi lại đến một thời điểm hợp lý, khi mà điều kiện kinh tế đất nước đáp ứng được.
Nhấn mạnh lại chế độ lương, đặc biệt là phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp thâm niên của nhà giáo hiện nay còn khó khăn so với thực tiễn đời sống, chưa đáp ứng được tính chất đặc thù của nhà giáo, bà Phạm Thị Thanh Trà đưa giải pháp: Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất giải pháp trước mắt theo tinh thần của Nghị quyết 27. Chọn đối tượng ưu tiên trước - đó là tập trung vào việc điều chỉnh, bổ sung với phụ cấp ưu đãi với giáo viên mầm non - sau đó tịnh tiến từng bước, để khi triển khai Nghị quyết 27, thực hiện thang bảng lương theo vị trí việc làm, sẽ không có khoảng cách quá xa.
Bà Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề xuất các cấp thẩm quyền có liên quan để rà soát, xem xét, nghiên cứu để nâng được phụ cấp đối với giáo viên nói chung, trong đó ưu tiên giáo viên mầm non.