Cho ý kiến về đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết ngân sách phải chi cho các đối tượng thuộc ngân sách nhà nước đảm bảo là 17.276 tỉ đồng. Theo cơ quan này, đây là số tiền lớn, vượt khả năng cân đối của dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 được Quốc hội quyết định.
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ LĐ-TB-XH rà soát, tính toán lại các phương án điều chỉnh cụ thể bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc và cơ sở pháp lý tại quy định của Luật Bảo hiểm xã hội về việc điều chỉnh lương hưu đối với người nghỉ hưu được dựa trên cơ sở mức tăng chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế, phù hợp với ngân sách nhà nước và Quỹ bảo hiểm xã hội, Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Trước đó Bộ Nội vụ cho biết, với phương án cải cách tiền lương thực hiện theo Nghị quyết 27 của Trung ương, từ ngày 1-7, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp).
Từ năm 2025, mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hàng năm khoảng 7%/năm. Bộ Nội vụ đang tham mưu cho cấp có thẩm quyền để xây dựng hệ thống bảng lương gồm lương cơ bản chiếm 70% và phụ cấp chiếm 30% tổng quỹ lương.
Ngoài ra, còn có thêm 10% quỹ lương cơ bản để người đứng đầu cơ quan, đơn vị khen thưởng. Đồng thời, người đứng đầu có quyền trong việc ban hành cơ chế để sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên thuê chuyên gia, thu hút và trọng dụng những người có tài năng vào trong khu vực công.
Theo tính toán của Chính phủ, để thực hiện cải cách tiền lương, dự kiến tổng nhu cầu kinh phí tăng thêm từ ngân sách trong giai đoạn 2024 - 2026 là hơn 499 ngàn tỉ đồng. Trong đó chi cho cải cách tiền lương là 470 ngàn tỉ đồng, điều chỉnh lương hưu là 11,1 ngàn tỉ đồng và trợ cấp ưu đãi người có công là 18 ngàn tỉ đồng.