Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Chuẩn bị điều kiện triển khai chương trình mới

Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sáng 11/3, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương về việc tiếp tục thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội nghị.

Cần sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo địa phương, bộ ngành

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước; rất cần sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện.

Chính phủ đã ban hành các văn bản, đề án có liên quan, bảo đảm chuẩn bị đồng bộ các điều kiện về đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất thực hiện đổi mới.

Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 88, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 404/QĐ-TTg phê duyệtĐề ánđổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Sau đó là Quyết định số 732/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025; Quyết định số 1436/QĐ-TTg phê duyệt Đề ánbảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non, chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025.

Để đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg; yêu cầu các Bộ, ngành địa phương thực hiện các nhóm giải pháp hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội.

Lưu ý tới các địa phương, Thứ trưởng nhấn mạnh cần quan tâm để bảo đảm đủ đội ngũ đáp ứng yêu cầu giảng dạy; đặc biệt là giáo viên dạy Ngoại ngữ, Tin học ở lớp 3 từ năm học 2022-2023. Vận dụng các giải pháp có thể để đáp ứng yêu cầu này, từ tuyển dụng, hợp đồng, thỉnh giảng, biệt phái…

Với giáo viên dạy Âm nhạc, Mĩ thuật ở lớp 10, trường hợp không có giáo viên thì phải huy động đội ngũ giáo viên trung học cơ sở - điều này đòi hỏi sự vào cuộc của lãnh đạo địa phương.

Liên quan đến đội ngũ, Thứ trưởng cũng cho rằng, địa phương cần có cơ chế điều tiết giáo viên dạy liên trường; xây dựng chế độ chính sách cho giáo viên dạy liên trường; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thầy cô, bảo đảm có đủ đội ngũ để đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh, tinh thần vì quyền lợi của người học là trên hết. Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo các trường sư phạm tổ chức các mã ngành, đào tạo giáo viên dạy các môn học đáp ứng nhu cầu thực tế.

Về lựa chọn sách giáo khoa, Thứ trưởng yêu cầu thực hiện minh bạch, khách quan, công bằng, vì quyền lợi của học sinh; bảo đảm công bằng trong tiếp cận các bộ sách; tôn trọng ý kiến chuyên môn từ cơ sở để chọn được bộ sách phù hợp với điều kiện địa phương, nhà trường. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phát huy tinh thần trách nhiệm để lựa chọn sách giáo khoa theo đúng tinh thần Thông tư 25 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng lưu ý việc hoàn thiện tài liệu giáo dục địa phương và tổ chức dạy học nội dung giáo dục địa phương; xây dựng phương án tổ chức dạy học tại cơ sở giáo dục, nhất là các tổ hợp môn học lựa chọn ở lớp 10 và công bố công khai; bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ triển khai chương trình mới, trong đó có phòng máy tính để dạy học môn Tin học…

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì điểm cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cần sự chuẩn bị tổng thể, dài hơi

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh tới bối cảnh, tầm quan trọng, ý nghĩa của quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 - một trong những khâu quan trọng nhất của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29.

Theo đó, đây là lần tiến hành đổi mới rất sâu sắc, toàn diện, chuyển đổi về cả cách tiếp cận, định hướng và triết lý. Những gì đang thực hiện là chưa có tiền lệ, đặc biệt liên quan đến xã hội hóa, có nhiều bộ sách giáo khoa, thay đổi tính chất của sách giáo khoa trong thực hiện chương trình…

Đổi mới diễn ra với tốc độ rất nhanh, phạm vi tiến hành rộng, kì vọng của Đảng, nhân dân rất cao, nhưng lại được tiến hành trong bối cảnh nguồn lực tài chính, con người khó khăn, thiếu thốn; trong bối cảnh ngành Giáo dục chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, dẫn tới nguồn nhân lực biến động, thay đổi nhiều…

Làm rõ những điều này để thấy toàn ngành đang làm một việc rất lớn với đầy khó khăn thách thức, nhưng cũng theo Bộ trưởng, quá trình triển khai vừa qua đã cho thấy quyết tâm rất lớn của toàn ngành.

“Các địa phương đã rất vào cuộc, rất thấu hiểu, ngành Giáo dục cũng đã rất quyết tâm. Đây là điều đáng ghi nhận”, Bộ trưởng nhận định.

Để chuẩn bị các điều kiện thực hiện chương trình mang tính dài hơi, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo địa phương chỉ đạo sở Giáo dục và Đào tạo có những tham mưu tổng thể, không chỉ cho năm học 2022-2023 mà tính toán đầy đủ các phần việc cho các năm tiếp theo. Bởi với tốc độ triển khai cuốn chiếu rất nhanh, nếu chỉ lo cho một năm khó khăn sẽ càng tăng nhanh hơn vào các năm tiếp theo.

Ngay từ bây giờ, các địa phương phải nhìn thấy toàn bộ vấn đề cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, các điều kiện khác cho tới năm học 2024-2025 - năm triển khai ở các lớp cuối cùng để có tham mưu cụ thể, tránh thấy việc tới đâu mới tham mưu tới đó.

Liên quan đến lựa chọn sách giáo khoa, Bộ trưởng lưu ý, tinh thần chung là cố gắng bảo đảm sự lựa chọn chuyên môn từ các cơ sở giáo dục, phát huy được tiếng nói của người trực tiếp dạy học; đồng thời phát huy được ý nghĩa của việc có nhiều bộ sách giáo khoa thông qua việc giáo viên có thể chọn một bộ để sử dụng nhưng tham khảo nhiều sách.

Bộ trưởng cũng mong muốn, các cơ sở giáo dục, đội ngũ giáo viên trong quá trình lựa chọn sách và dạy học sách giáo khoa mới, nếu phát hiện vấn đề cần sớm có ý kiến chính thống một cách chủ động về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trước thực tế thiếu giáo viên được nhiều địa phương nêu ra tại cuộc họp, Bộ trưởng cho biết, với trách nhiệm của mình, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực làm việc với các cấp có thẩm quyền để có được chỉ tiêu; rà soát các chính sách, cơ chế để tháo gỡ vướng mắc cho tuyển dụng giáo viên. Bộ cũng sẽ chỉ đạo các trường sư phạm trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên…

Về phía các tỉnh/thành, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo địa phương quan tâm, vận dụng tối đa và tổng hợp các biện pháp, từ đó có chỉ tiêu tuyển thêm, dùng ngân sách địa phương cho hợp đồng, đến bố trí dạy liên trường… để đảm bảo có giáo viên dạy các môn học trong chương trình mới.

Trong các giải pháp bước đầu để giải quyết thiếu giáo viên, tiếp tục củng cố dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình, sử dụng bài giảng điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số… là giải pháp được Bộ trưởng lưu ý các địa phương thực hiện. Tuy nhiên, vẫn sẽ cần một số lượng giáo viên nhất định - về vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm có hướng dẫn chi tiết.

Với cơ sở vật chất, Bộ trưởng đề nghị địa phương dùng các biện pháp tổng lực để xử lý. Riêng về việc mua sắm thiết bị dạy học, Bộ trưởng giao các đơn vị chuyên môn của Bộ tham mưu làm việc với Bộ Tài chính để lên một khung giá thiết bị trong danh mục trang thiết bị mà Bộ quy định. Đây là việc cần làm sớm nhằm tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong mua sắm thiết bị dạy học, phục vụ đổi mới giáo dục phổ thông.

Với vấn đề có tính thời sự hiện nay là phòng chống dịch và đưa học sinh quay trở lại học trực tiếp, Bộ trưởng đề nghị các địa phương kiên trì mục tiêu đưa học sinh quay trở lại trường sớm nhất có thể.

Để làm được việc này, cần theo sát diễn biến dịch để có biện pháp kịp thời. Ở những nơi dịch bùng phát mạnh học sinh chuyển sang học trực tuyến, nhưng dịch giảm tới đâu lại huy động học sinh quay trở lại trường tới đó.

Ngành Giáo dục các địa phương cần phối hợp với ngành Y tế để thực hiện trên tinh thần bình tĩnh, thực tiễn, thích ứng an toàn. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy tiến độ nhanh nhất tiêm vắc xin cho trẻ từ 5-11 tuổi.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/bo-truong-nguyen-kim-son-chuan-bi-dieu-kien-trien-khai-chuong-trinh-moi-can-mang-tinh-tong-the-dai-hoi-f1yob3YnR.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/bo-truong-nguyen-kim-son-chuan-bi-dieu-kien-trien-khai-chuong-trinh-moi-can-mang-tinh-tong-the-dai-hoi-f1yob3YnR.html
Bài liên quan
Quận Đống Đa sẵn sàng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới
(GDTD) - Sáng 4/9, quận Đống Đa (Hà Nội) tổ chức tổng kết năm học cũ; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2021-2022 theo hình thức trực tuyến.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Chuẩn bị điều kiện triển khai chương trình mới