Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kiến nghị không giao Bộ GD&ĐT biên soạn thêm bộ SGK

14/08/2023, 15:57
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chương trình là duy nhất, thống nhất, học liệu là đa dạng, linh hoạt. Vậy có cần một bộ sách giáo khoa, tức một bộ học liệu của nhà nước không?

Trong phát biểu tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban thường vụ Quốc hội XV, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã một lần nữa đề nghị Đoàn giám sát và Ủy ban Thường vụ Quốc hội hết sức cân nhắc nội dung “nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương về việc giao Bộ GD&ĐT chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước”…; cân nhắc bỏ điều này khỏi nội dung Nghị quyết.

Đã có nhiều điều chỉnh cách nhìn về ngành Giáo dục

Được sự cho phép của Chính phủ, và thay mặt cho ngành GD-ĐT, toàn thể giáo viên, cán bộ và học sinh, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội vì đã thể hiện sự quan tâm to lớn, kịp thời, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội trước đất nước và nhân dân qua việc tổ chức, triển khai hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với việc đổi mới giáo dục phổ thông, triển khai thực hiện Nghị quyết 88, Nghị quyết 51 và Nghị quyết 122 của Quốc hội.

“Chúng tôi chờ đón đợt giám sát này vì chúng tôi hiểu rằng, tự mình truyền thông, giải thích trước xã hội và trước Quốc hội rất nhiều cũng khó bằng sự ghi nhận và lan tỏa một cách khách quan thông qua hoạt động giám sát của Quốc hội - cơ quan đại diện cao nhất cho toàn thể nhân dân.

Chúng tôi tự tin nói như vậy còn vì ngành Giáo dục với hơn một triệu nhà giáo đã làm rất nhiều việc trong thực tế, thực chất, đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách để tạo nên những chuyển biến có thực trong thực tế.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi triển khai đổi mới giáo dục phổ thông năm 2018 có một đoàn giám sát làm việc với quy mô sâu rộng toàn diện mang tính toàn quốc như vậy. Vì vậy, tôi xin bày tỏ lời cảm ơn chân thành nhất tới Quốc hội, tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đoàn giám sát”, Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng đồng thời bày tỏ vui mừng vì những gì ngành Giáo dục làm trong thời gian qua đã được ghi nhận với những đánh giá dẫu còn chừng mực, thận trọng của Đoàn giám sát. Chắc bởi quá trình đổi mới giáo dục phổ thông đang còn tiếp tục, chưa hoàn tất chu trình và chưa có sản phẩm đầu ra tổng thể và đầy đủ. Tuy nhiên, những ghi nhận rằng: “…tạo chuyển biến tích cực đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhận… ” đã khiến toàn ngành được động viên rất nhiều.

Bộ trưởng nhận thấy Đoàn giám sát đã làm việc một cách rất nghiêm túc, trách nhiệm, khoa học, sâu sát thực tiễn và với tinh thần thấu hiểu, xây dựng. Đoàn đã tiếp xúc nhiều và trực tiếp với các giáo viên, đến với trường học, với những vùng sâu vùng xa, với các cán bộ quản lý giáo dục cấp cơ sở…

Điều đáng quý nhất là sau đợt giám sát này, nhiều thành viên trong đoàn Giám sát cũng bày tỏ rằng đã có nhiều điều chỉnh cách nhìn về ngành giáo dục và có sự cảm nhận lạc quan hơn, ấp áp và tươi sáng hơn về trường học và về giáo dục.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục là tinh thần lớn của toàn đảng, toàn dân theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng. Đối với giáo dục phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là cuộc đổi mới có chiều sâu, toàn diện và triệt để nhất so với các lần đổi mới trước đây đã thực hiện, kể từ giữa thế kỷ 20.

Nó khác về tư tưởng chỉ đạo, về tinh thần và triết lý giáo dục, mục tiêu, phương pháp, cách thức… trong đó lấy phát triển toàn diện con người làm chỉ hướng. Trên cơ sở đó cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, làm khởi đầu để có những thế hệ con người Việt Nam mới biết sống và sống hạnh phúc và cùng nhau truy cầu hạnh phúc cho cả cộng đồng, cho sự phát triển đất nước.

Sự kỳ vọng vào đổi mới rất lớn, nhiệm vụ rất nặng nề, cường độ và tốc độ đổi mới rất nhanh, phương pháp có nhiều điều phi truyền thống, điều kiện triển khai khó khăn mọi bề… Từ 2019 tới 2023, ngành Giáo dục vừa triển khai ứng phó với đại dịch Covid-19 vừa tiến hành cải cách giáo dục.

Theo chúng tôi tìm hiểu thì cả thế giới hầu như không có quốc gia nào vừa dám vừa chống dịch, duy trì hoạt động giáo dục, tất cả chỉ cố gắng cốt sao cho được bình thường, lại đi tiến hành cải cách giáo dục tại thời đoạn ngặt nghèo sống chết đó.

Nhưng con tàu cải cách giáo dục đang lao nhanh về phía trước, chỉ có đường tiến không có đường lùi. Vì vậy, trong mục tiêu kép, nhiệm vụ kép, đạt được những gì như báo cáo đã ghi nhận, đó là một nỗ lực phi thường của hàng triệu giáo viên và học sinh. Đó là sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành, của 63 tỉnh thành trên cả nước; là sự quan tâm của Quốc hội kịp thời quyết định các chính sách cho giáo dục và đào tạo trong suốt thời gian vừa qua.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kiến nghị không giao Bộ GD&ĐT biên soạn thêm bộ SGK ảnh 1
Toàn cảnh phiên họp.

Nhiều giải pháp, điều chỉnh để làm tốt hơn

Trong phát biểu, Bộ trưởng đồng thời bày tỏ cảm ơn các nhận xét, góp ý, nêu các vấn đề bất cập còn tồn tại, những điểm cần điều chỉnh, những việc cần làm và làm tốt hơn nữa mà Chính phủ, các bộ ngành thuộc Chính phủ, ngành GD-ĐT, các địa phương cần phải làm. Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu tiếp thu, xử lý và triển khai.

Nhiều điểm trong phần lưu ý và yêu cầu của bản dự thảo Nghị quyết, Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ GD&ĐT cũng đã thấy và đang tiến hành điều chỉnh.

Bộ GD&ĐT cũng đang triển khai đánh giá giữa kỳ việc triển khai Chương trình GDPT 2018, kể cả trên góc độ chuyên môn và góc độ chính sách. Các đánh giá bước đầu cũng khiến ngành GD-ĐT tự thấy cần có một số điều chỉnh trong thời gian tới cho phù hợp. Triển khai chương trình là quá trình linh hoạt, là phát triển chương trình, chứ không chỉ là triển khai thực hiện.

Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT đang điều chỉnh thông tư 25 về việc chọn sách; đang cải thiện việc kiểm soát quá trình biên soạn, thử nghiệm sách, chất lượng của việc thẩm định sách. Việc hướng dẫn giáo viên cũng đã và đang được điều chỉnh dần. Các hoạt động xuất bản và phát hành sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã và đang được điều chỉnh mạnh trong vài năm trở lại đây, theo hướng tăng chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sách và tăng các biện pháp hỗ trợ học sinh. Đặc biệt là lưu ý giảm giá thành, giảm tỷ lệ chiết khấu và chi phí phát hành…

Năm 2023 này, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tổ chức tặng trên một triệu bản sách và một nghìn tủ sách dành cho các cơ sở giáo dục, cho học sinh các tỉnh vùng khó khăn. Chính phủ cũng đang chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong việc xuất bản sách giáo khoa dạy tiếng các dân tộc thiểu số, tháo gỡ khó khăn trong xuất bản tài liệu giáo dục địa phương.

Chính phủ cũng đã giao Bộ GD&ĐT khẩn trương xây dựng thông tư thực hiện việc định giá tối đa sách giáo khoa để thực hiện khi Luật giá sửa đổi có hiệu lực năm 2024. Chính phủ cũng đang giao Bộ GD&Đt triển khai xây dựng Luật Nhà giáo để trình Quốc hội trong năm 2024 xem đó là giải pháp căn cơ để phát triển đội ngũ nhà giáo. Nhiều biện pháp cũng đang được áp dụng để giảm tình trạng giáo viên nghỉ việc, thiếu giáo viên…

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kiến nghị không giao Bộ GD&ĐT biên soạn thêm bộ SGK ảnh 2
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng dự phiên họp.

Có cần một bộ SGK - tức một bộ học liệu của nhà nước?

Riêng với ý kiến của Đoàn giám sát nêu trong nhóm giải pháp về nâng cao năng lực hiệu quả, hiệu quả quản lý nhà nước về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông: “nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương về việc giao Bộ GD&ĐT chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước”…, một lần nữa Bộ trưởng đề nghị Đoàn giám sát và Ủy ban Thường vụ Quốc hội hết sức cân nhắc điều này, cân nhắc bỏ điều này khỏi nội dung Nghị quyết.

Trong phiên làm việc giữa Đoàn giám sát và Chính phủ cuối tháng 7, Bộ GD&ĐT cũng đã nêu một số ý kiến phân tích và kiến nghị về việc này.

Theo Bộ trưởng, dường như vẫn đang còn những quan điểm khác nhau về bản chất và vai trò của sách giáo khoa trong hoạt động dạy và học theo chương trình mới. Nhà nước nắm và trông coi chương trình thống nhất toàn quốc, đó là nội dung lõi của giáo dục, là pháp lệnh. Còn sách giáo khoa là học liệu, là công cụ, là cái hỗ trợ giáo viên để chuyển tải chương trình, thực hiện các yêu cầu môn học.

“Chương trình là duy nhất, thống nhất, học liệu là đa dạng và linh hoạt, vậy có cần một bộ SGK - tức một bộ học liệu của nhà nước không?

Trong số hàng trăm bài giảng trên truyền hình, giáo viên đã dạy theo chương trình với sự chuẩn bị riêng, không theo bất cứ bộ sách giáo khoa nào. Vậy có cần Quốc hội phải thông qua việc giao Bộ GD&ĐT chuẩn bị nội dung cho học liệu không?

Cảm ơn Đoàn giám sát đã rất quan tâm tới một vấn đề nóng của giáo dục để hỗ trợ, nhưng cách quan tâm này liệu đã phù hợp với sách giáo khoa với tư cách tồn tại mới của chúng hay chưa?”.

Đặt ra các câu hỏi trên, Bộ trưởng cho rằng, điều này không phải vấn đề kỹ thuật hay vấn đề quản lý, mà liên quan tới tinh thần cốt lõi nhất của đổi mới.

Bộ GD&ĐT đang ra sức hướng dẫn, điều chỉnh, yêu cầu giáo viên thay đổi quan niệm về sách giáo khoa, thay đổi cách mà giáo viên sử dụng sách giáo khoa và coi đó là trọng tâm của đổi mới phương pháp dạy học.

Việc này không chỉ ảnh hưởng lớn tới chủ trương xã hội hóa trong việc biên soạn và phát hành sách giáo khoa, mà còn hệ trọng hơn nó có thể tác động tới tinh thần đổi mới mà toàn ngành đang hướng tới về mặt phương pháp.

Nếu lo lắng về an toàn, an ninh sách giáo khoa, theo Bộ trưởng, điều này cũng không thành vấn đề, vì Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đang nắm bản quyền 2 bộ sách giáo khoa. Sách giáo khoa cho các lớp 5-9-12 là những bộ sách cuối cùng cũng đã soạn xong và đang thẩm định…

“Và xem ra, điều này cũng rất khác với nội dung Nghị quyết 122 năm 2020 cho phép Bộ GD&ĐT chỉ tổ chức biên soạn khi không có tổ chức và cá nhân nào biên soạn” - Bộ trưởng nói và cho biết: Hiện nay tất cả các môn học còn lại đều đã có một số sách được các tập thể và cá nhân biên soạn, vậy thì bộ tổ chức chuẩn bị nội dung một bộ để giải quyết được mấy vấn đề.

Ngành GD-ĐT cũng kiến nghị: Như đánh giá trong phần đầu của báo cáo giám sát đã nêu, việc triển khai đã đạt được những kết quả quan trọng đáng ghi nhận, đã tạo chuyển biến tích cực.

Điều đó chứng tỏ chủ trương là đúng, đường đi là đúng, cách làm là đúng, đúng về cái lớn cái căn bản. Hiện nay đang giữa chặng đường, những khó khăn vướng vấp ban đầu là khó tránh khỏi, nhưng nó đang được khắc phục và cải thiện và ngày càng tốt thêm.

Vấn đề lớn lúc này là tiến hành đổi mới theo chiều sâu, đổi mới phương pháp dạy, học, kiểm tra đánh giá, gia tăng chất lượng của đổi mới, tăng cường các điều kiện cho đổi mới thành công, cố gắng ổn định chính sách cho tới hết chu kỳ đổi mới. Sau năm 2025 khi có những sản phẩm đầu ra thực sự của chương trình mới rồi tính tới những điều chỉnh chính sách lớn nếu có.

Nên có nghị quyết riêng để thúc đẩy đổi mới giáo dục

Kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng cho rằng, ngoài Nghị quyết giám sát chuyên đề này, nên có nghị quyết riêng để thúc đẩy đổi mới giáo dục.

Cần có nhất lúc này là một Nghị quyết giao cho Bộ GD&ĐT chuẩn bị và trình Chính phủ, trình Quốc hội các phương án tăng cường các điều kiện đảm bảo cho đổi mới giáo dục.

Đặc biệt và quan trọng nhất làm sao cho đủ giáo viên, làm sao thu nhập đủ để giáo viên thực sự sống bằng nghề, thấy được động viên và tiếp tục phấn đấu đổi mới và tự đổi mới, hết lòng vì học trò, gánh vác tốt và yên tâm với công việc nặng nhọc nhiều áp lực.

Nhân tố quyết định thành công đổi mới là yếu tố con người, là thầy cô giáo. Giới hạn của số lượng và chất lượng nhà giáo, giới hạn của năng lực và trình độ của nhà giáo là giới hạn của đổi mới và giới hạn chất lượng giáo dục.

Bên cạnh đó, cũng cần đủ trường lớp, trường lớp được kiên cố, khang trang, đủ nhà công vụ cho giáo viên vùng xa, đủ nhà vệ sinh cho trường học, đủ trang thiết bị cho giáo dục, đủ đầu tư tài chính cho các hoạt động…

“Nếu không có những cái tối thiểu đó thì ngành Giáo dục, các nhà giáo có nỗ lực mấy cũng khó đạt được các kỳ vọng và mục tiêu lớn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kiến nghị không giao Bộ GD&ĐT biên soạn thêm bộ SGK