Khi còn nhỏ, hầu hết các em đều thiếu tự chủ, thường có thói quen xấu là trì hoãn và chậm chạp. Lúc này, kỷ luật của cha mẹ đặc biệt rất quan trọng.
Có một người làm trong ngành giáo dục 10 năm ở Trung Quốc chia sẻ rằng:
“Trong lớp học của tôi có một em học sinh rất hoạt ngôn. Nhưng chỉ cần tới giờ làm bài tập là em ấy biến thành một người khác.
Với cây bút chì trong tay, nó giống như một phép thuật, em ấy có thể chơi suốt 1 giờ trong trạng thái mê mẩn. Bài tập về nhà luôn không được hoàn thành đúng hạn, điểm số luôn ở mức trung bình của lớp.
Hóa ra bố mẹ của em ấy rất bận, tối nào cũng đi làm về muộn. Khi về tới nhà thì con cái đã ngủ say, thường không có thời gian kèm cặp con mình”.
Ở giai đoạn trẻ cần được giáo dục nghiêm khắc nhất, nếu cha mẹ buông lỏng và không chú trọng thì hậu quá khó có thể cứu vãn được. Sự trưởng thành của trẻ em không thể tách rời khỏi kỷ luật của cha mẹ chúng.
Kỷ luật lỏng lẻo của cha mẹ khiến con cái buông thả, trì hoãn, làm việc lộn xộn, không thể quản lý tốt thời gian của mình chứ đừng nói đến việc tự lên kế hoạch cho cuộc đời mình.
Phương pháp giúp trẻ phát triển kỹ năng quản lý thời gian
Trẻ em không phải là một người có tính trì hoãn bẩm sinh và điều này hoàn toàn có thể thay đổi được. Thời gian là một khái niệm trừu tượng đối với trẻ, chúng rất hiếu động, những thứ bên ngoài sẽ luôn khiến chúng mất tập trung.
Nếu muốn con học cách quản lý thời gian, cha mẹ có thể làm như sau:
1. Để trẻ cảm nhận sự tồn tại của thời gian trong cuộc sống hằng ngày
Thời gian là thứ vô hình, lúc này cần những dụng cụ có thể phản ánh thời gian như đồng hồ treo tường, đồng hồ cát, đồng hồ bấm giờ. Hãy để trẻ em cảm thấy sự tồn tại của thời gian.
Ví dụ: Cha mẹ hãy đặt đồng hồ ở nơi dễ thấy trong phòng khách, đặt đồng hồ báo thức ở đầu giường, dán thời gian biểu hằng ngày ở cửa hoặc cho trẻ sử dụng đồng hồ đeo tay.
Sau khi trẻ biết được thời gian, cách gọi giờ, phút, chúng sẽ nhận thức rõ ràng hơn về mọi việc.
2. Nói chính xác về thời gian
Bố mẹ luôn giục con “mau ăn cơm”, “mau làm bài đi”, “mau tắt tivi đi”. Nhưng trẻ không thể hiểu khi nào "nhanh lên".
Khi gặp phải yêu cầu mơ hồ này của cha mẹ, trẻ đương nhiên không làm theo yêu cầu, lúc này cha mẹ cần phải thay đổi các từ mình nói, chẳng hạn như:
“Con chỉ còn 10 phút nữa là hết giờ ăn. Nếu con ăn chậm, quá thời gian này, mẹ sẽ không cho con ăn nữa”.
“Còn 30 phút nữa là đến giờ ngủ, nếu bây giờ con không làm bài thì ngày mai bị cô mắng con tự chịu”.
“Con đã xem TV 25 phút rồi, theo quy định thì còn 5 phút nữa là phải tắt”.
Cha mẹ nên sử dụng chính xác về thời gian để giao tiếp với con cái, điều này giúp trẻ nhận thức rõ hơn về sự tồn tại thực sự của thời gian.
3. Lập thời gian biểu để trẻ nhận biết lại thời gian
Thông qua 2 phương pháp trên, trẻ có thể hiểu rõ khái niệm về thời gian một cách hiệu quả, nhưng mối quan hệ giữa những việc trẻ làm hằng ngày và thời gian cần có thời gian biểu để thể hiện.
4. Bản thân cha mẹ làm gương tốt
Cha mẹ là người thầy đầu tiên của con cái, con cái là tấm gương phản chiếu của cha mẹ, mọi việc con cái làm đều là cái bóng của cha mẹ.
Chỉ khi cha mẹ làm gương tốt, trẻ mới có thể bắt chước và học theo một cách tự nhiên.
Khi giải quyết vấn đề trì hoãn của trẻ, trước tiên cha mẹ phải giải quyết vấn đề thói quen của chính mình. Nếu muốn con cái ngủ sớm dậy sớm, cha mẹ cần bỏ thói quen thức khuya, làm việc và nghỉ ngơi không điều độ.
Nếu trẻ trì hoãn khi ăn thì cha mẹ cần bỏ thói quen vừa ăn vừa xem TV hay dùng điện thoại.