Công trình vừa đăng tải trên tạp chí khoa học Journal of Pineal Research trên chính các sinh viên UW bắt nguồn từ việc nhiều người than khó ngủ trong những ngày mùa đông.
Câu trả lời rất đơn giản: Ở nước Mỹ, đó là những ngày mà ban ngày rất ngắn lại khá u ám, cộng với thời tiết khiến nhiều người chỉ muốn trốn trong phòng nên tiếp xúc với ánh sáng ban ngày ít hơn hẳn so với các mùa còn lại.
507 sinh viên tình nguyện đã sử dụng một thiết bị đeo tay để theo dõi giấc ngủ và mức độ tiếp xúc với ánh sáng từ năm 2015 đến 2018 và cho thấy sự khác biệt rõ ràng giữa giờ ngủ đêm và thời lượng ánh sáng mặt trời mà họ tiếp xúc hàng ngày.
"Cơ thể chúng ta có đồng hồ sinh học tự nhiên cho chúng ta biết khi nào nên đi ngủ vào ban đêm. Nếu bạn không tiếp xúc đủ với ánh sáng ban ngày, điều đó sẽ làm chậm đồng hồ sinh học và đẩy lùi thời điểm bắt đầu giấc ngủ ban đêm" - Giáo sư Horacio de le Iglesia, tác giả cao cấp của nghiên cứu, cho biết.
Theo giáo sư Iglesia, tác động gây mất ngủ này sẽ thấy rõ hơn ở những người sống ở thành thị, nơi họ sống trong nhà nhiều thời gian và tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo nhiều hơn ánh sáng tự nhiên. Thứ ánh sáng thay thế này chỉ khiến bạn khó ngủ thêm nếu tiếp xúc nhiều vào buổi tối. Vì vậy, lời khuyên là hãy cố gắng thay đổi thói quen một chút nếu bạn đang loay hoay với việc mất ngủ.