Cách nào để thế giới nhận diện bản sắc văn hoá Việt?

Trần Hoà | 21/07/2022, 08:46
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

“Để Việt Nam nhìn ra thế giới – để thế giới nhìn thấy Việt Nam” luôn là bài toán khó, nhưng tiềm tàng đầy cơ hội để quảng bá văn hoá.

Trong những năm qua, văn hoá Việt Nam đậm đà bản sắc được coi là “khuôn vàng thước ngọc” không chỉ cần gìn giữ mà còn phải phát huy. Việc gìn giữ đã khó, việc phát huy và quảng bá ra với thế giới còn khó hơn nhiều lần.

Các đơn vị ngoại giao văn hoá đã nhièu lần tổ chức các sự kiện ở nhiều địa điểm khác nhau trên thế giới. Dù gặt hái được nhiều thành công, nhưng chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế đem đến thất bại.

So với nhiều nước châu Á, hoặc hạn hẹp hơn là vùng Đông Nam Á – hình ảnh văn hoá Việt Nam chưa mấy sâu sắc, và chưa để lại được nhiều dấu ấn. Người dân nhiều nước vẫn thường nhầm lẫn giữa văn hoá Việt Nam với Trung Quốc. Thậm chí, nhiều tác phẩm nghệ thuật, hay cổ vật thường xuyên bị nhầm lẫn theo chiều hướng thiệt thòi cho Việt Nam.

Đơn cử mới đây, đạo diễn Minh Luân trong quá trình tìm kiếm cổ vật Việt Nam ở phương Tây, đã vô tình thấy di vật của chính gia đình mình. Đó là cây đàn tranh xuất xứ từ xưởng của ông ngoại anh - tiệm đàn Phùng Đinh. Tuy nhiên, nhà đấu giá lại nhầm là đồ Trung Quốc hoặc đồ của Nhật Bản – dù logo, địa chỉ viết bằng chữ quốc ngữ ở trên cây đàn.

Hoặc chuyện những bức tranh thời kỳ Đông Dương của các danh hoạ Việt, vẫn thường xuyên bị nhầm xuất xứ từ Trung Quốc. Những hàng chữ Nôm, dấu triện luôn bị nhầm là chữ Trung Quốc. Điều này, lỗi nửa phần là ở chúng ta – chuyên gia Trung Quốc đã đi trước một bước trong liên kết dịch thuật và giám tuyển sản phẩm nghệ thuật.

Không thể phủ nhận, văn hoá Việt Nam bị ảnh hưởng sâu sắc từ văn hoá Trung Quốc. Thêm vào đó là sự tương đồng về vùng địa lý và hình thể, sắc da. Nhưng chúng ta cũng phải tự vấn, tại sao thế giới không nhầm Trung Quốc với Việt Nam, mà luôn nhầm Việt Nam với Trung Quốc?.

Nói thẳng ra, chúng ta chưa làm tốt việc quảng bá hình ảnh đất nước mình. Dù bị ảnh hưởng văn hoá phương Bắc, nhưng chúng ta luôn có những bản sắc không trộn lẫn với bất cứ dân tộc hay nền văn hoá nào.

Trong chiến lược quảng bá văn hoá, Việt Nam rất năng động tham gia các diễn đàn lẫn các triển lãm. Nhưng cũng phải thấy, nhiều hoạt động chỉ là tham gia cho có – ít chú trọng đến chất lượng bản sắc.

Chúng ta có nhiều cơ hội để quốc tế nhận diện văn hoá Việt Nam. Như mới đây, trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần Văn hóa Việt Nam tại Lào - trại điêu khắc và vẽ tranh cổ động được tổ chức. Vậy chúng ta phải có chiến lược gì, kế hoạch ra sao đối với điêu khắc và tranh cổ động mang bản sắc và dân tộc Việt.

Đưa văn hoá quảng bá ra bên ngoài rất cần thiết, nhưng mời gọi bạn bè đến để cảm nhận ngay trong lòng Việt Nam còn quan trọng hơn. Ngày 20/7, Nova Entertainment chính thức công bố Việt Nam sẽ là quốc gia đăng cai tổ chức cuộc thi “Hoa hậu Trái đất 2023”.

Đó chính là cơ hội để thế giới “nhìn thấy Việt Nam”. Hãy để thế giới nhận diện bản sắc văn hoá Việt thật hiền hoà, chứ không phải những hình ảnh hung tợn vừa qua tại phố cổ Hà Nội – khi 3 thanh niên Việt dùng chai và ghế “phang” tới tấp một người khách tây.

Bài liên quan
Người giữ bản sắc Việt ở Nhật Bản
(GDTD) - Tháng 9/2019, Hội người Việt Nam tại Fukuoka được thành lập. Ông Nguyễn Duy Anh - tổng thư ký Hội đã góp công lớn vào gây dựng "Ngôi nhà chung" để những đứa trẻ Việt thế hệ thứ 2 biết hướng về cội nguồn.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cách nào để thế giới nhận diện bản sắc văn hoá Việt?