Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, hầu hết người bị đột quỵ không cần hô hấp nhân tạo. Tuy nhiên, nếu không thấy nhịp thở của người bị đột quỵ, có thể hô hấp nhân tạo cho họ trước khi đưa đến bệnh viện.
Trong thời gian chờ người bệnh được cấp cứu đột quỵ, hãy để người bệnh nằm nghiêng 30-45 độ, mặc quần áo rộng và thoáng mát. Có thể quấn khăn sạch vào ngón tay để lấy đờm, dãi trong cổ người bệnh nếu bệnh nhân có dấu hiệu thở khò khè tăng tiết đờm dãi. Nếu thấy người bệnh có biểu hiện co giật thì dùng đũa quấn vải sạch chặn ngang miệng, tránh người bệnh cắn vào lưỡi.
Khi phát hiện, người nhà cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở tế có khả năng điều trị tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch và can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ, tránh đến những nơi chưa đủ điều kiện xử lý vì sẽ gây mất thời gian cấp cứu người bệnh.
Những điều không nên làm khi sơ cứu người bị đột quỵ
Nếu thấy một người có những biểu hiện đột quỵ như: yếu hai tay, méo miệng, đau đầu... và họ muốn đi ngủ, tốt nhất bạn không nên để họ đi ngủ rồi sau đó mới đưa đi cấp cứu. Bởi thời gian là điều đặc biệt quan trọng khi cấp cứu tai biến. Nếu người bệnh ngủ, đồng nghĩa với việc thời gian cấp cứu chậm hơn và các tế bào não sẽ chết đi nhiều hơn, để lại những biến chứng nặng nề và thậm chí còn gây tử vong.
Ngoài ra, khi thấy người bị đột quỵ, không tự ý cho người bệnh uống bất kỳ loại thuốc nào. Có hai loại đột quỵ là đột quỵ xuất huyết não (do vỡ mạch máu dẫn đến chảy máu não) và đột quỵ do nhồi máu não (do cục máu đông dẫn đến tắc nghẽn mạch máu).
Ví dụ, nếu cho người bệnh sử dụng aspirin để làm giảm triệu chứng đau đầu do đột quỵ, người bệnh có thể bị chảy máu não nhiều hơn do aspirin là chất làm loãng máu. Hay người bệnh bị nhồi máu não mà cho uống hạ huyết áp nhanh sẽ làm vùng nhồi máu lan rộng ra do thiếu máu nuối.
Vì thế, tốt nhất khi xử trí người bị tai biến mạch máu não thì không tự ý cho người bệnh sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
Một lưu ý khác là trong khi chờ đợi bác sĩ cấp cứu đột quỵ, người nhà không nên cho người bệnh ăn uống bởi có thể gây sặc, ngạt thở...