Với 388 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 79,84%), Quốc hội đã thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Sau khi lấy phiếu xin ý kiến các đại biểu với đa số tán thành, Quốc hội đã thông qua quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn...
Sáng 27/6, với 388 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 79,84%), Quốc hội đã thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Về quy định cấm “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Lê Tấn Tới cho biết, nhiều ý kiến nhất trí quy định này.
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định có ngưỡng tối thiểu và một số ý kiến khác đề nghị đưa 2 phương án để xin ý kiến đại biểu Quốc hội.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định trên không phải là nội dung mới, mà được kế thừa của quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và thống nhất với quy định tại khoản 6 Điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 và quy định cụ thể cho lĩnh vực giao thông đường bộ.
Trong dự thảo luật này, nếu không tiếp tục quy định của khoản 6 Điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, sẽ có nguy cơ gia tăng vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, các vụ tai nạn giao thông đường bộ.
Vì đó dẫn đến làm tăng hậu quả, thiệt hại do tai nạn giao thông đường bộ gây ra như: Các thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông khác.
Điều này còn ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình, nguồn lực của đất nước, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội; đi ngược lại những cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, gây lãng phí công sức, tiền bạc của Nhà nước và nhân dân trong thời gian qua.
Trên cơ sở ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội nhất trí, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp tục thực hiện quy định cấm “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” và thể hiện tại khoản 2 Điều 9 dự thảo luật.
Có ý kiến đại biểu đề nghị giao Bộ Y tế ban hành quy trình kỹ thuật, định lượng ethanol trong máu đối với các trường hợp không sử dụng rượu, bia mà có độ nồng độ cồn như do bị bệnh dẫn đến tăng chuyển hóa nồng độ cồn nội sinh. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung vào khoản 5 Điều 87 giao cho Bộ Y tế quy định về xác định nồng độ cồn và nồng độ cồn nội sinh trong máu để làm căn cứ xác định trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn do sử dụng rượu, bia hoặc đồ uống có cồn khác.
Ủng hộ quy định trên, ông Hoàng Văn Thái (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, văn hóa phong tục của người Việt Nam thường lạm dụng bia rượu khá nhiều. Nếu quy định tỷ lệ mức độ nồng độ cồn sẽ khiến nhiều người lợi dụng điểm này. Vì vậy, việc cơ quan Nhà nước thông qua quy định cấm tuyệt đối cồn trong máu mới quản lý được. Chuyện này ảnh hưởng đến sinh mạng người tham gia giao thông.
“Trong thực tế thì phương án này đã và đang được áp dụng lâu nay. Và dù có nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt là cách vận hành của lực lượng chức năng, nhưng quy định cấm này đã từng bước đi vào cuộc sống, được đông đảo người dân đồng tình thực hiện”, ông Thái bày tỏ.
Đồng quan điểm, anh Nguyễn Duy Minh (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, việc cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn khi tham gia giao thông là đúng và cần thiết. Theo anh Minh, khi người có nồng độ cồn do rượu bia thì hành vi cũng như hành xử sẽ khác người không uống.
Tuy nhiên, cần có phân biệt, quy định rõ về nồng độ cồn do rượu bia và nồng độ cồn từ nước uống trái cây có lên men hay thực phẩm lên men. Bên cạnh đó, nghiên cứu danh mục một số loại thiết bị đo nồng độ cho phép lưu hành để người dân tự kiểm tra trước khi tham gia giao thông.
“Quy định cấm thì sẽ dễ cho cơ quan quản lý. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn. Sau thời gian thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể”, anh Minh cho biết.
Cùng với việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi tham gia giao thông, một điểm mới trong Luật An toàn giao thông đường bộ được thông qua tại kỳ họp này là quy định về trừ điểm giấy phép lái xe trong Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Theo quy định trong luật, điểm của giấy phép lái xe được dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người lái xe trên hệ thống cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bao gồm 12 điểm.
Số điểm trừ mỗi lần vi phạm tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Dữ liệu về điểm trừ giấy phép lái xe của người vi phạm sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành và thông báo cho người bị trừ điểm giấy phép lái xe biết.
Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm thì người có giấy phép lái xe không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Sau 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có giấy phép lái xe được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do cảnh sát giao thông tổ chức. Nếu người dân đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.