Ý kiến từ cơ sở
Đồng Tháp là tỉnh miền Tây Nam Bộ đã có nhiều kinh nghiệm hay trong việc chủ động khắc phục khó khăn. Bà Huỳnh Kim Vui, Phó Trưởng phòng Giáo dục Mầm non – Tiểu học (Sở GD&ĐT Đồng Tháp), cho rằng: Trong bối cảnh dịch bệnh, địa phương còn nhiều khó khăn, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, địa phương đã thực hiện tốt việc xây dựng kế hoạch được giao. Đồng Tháp đã tổ chức lớp tập huấn tư vấn hỗ trợ tâm lý cho cha mẹ trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ khi trẻ ở nhà.
Đối với việc triển khai Nghị định số 105, Phòng GD&ĐT đã tham mưu HĐND thông qua chính sách thực hiện theo quy định tại Nghị định này. Để chương trình giáo dục mầm non mới tới đây đưa vào triển khai hiệu quả, chất lượng, đề nghị Bộ GD&ĐT tăng cường việc bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn cho cán bộ quản lý và giáo viên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Khó khăn còn nhiều nhưng Quảng Nam cũng là địa phương tiêu biểu cho nỗ lực vượt khó triển khai hiệu quả giáo dục mầm non. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Công Thành cho rằng, sự đồng lòng của các cấp ngành là nền tảng quan trọng của thành công. Nghị định 105 là căn cứ pháp lý để địa phương có cơ sở tham mưu thực hiện chính sách cho đội ngũ.
Sở đã tham mưu ban hành 3 Nghị quyết trong 1 năm. Trong đó có Nghị quyết mở rộng đối tượng hưởng chính sách ở “cụm công nghiệp”; Chính sách hỗ trợ nấu ăn cho trẻ vùng đặc biệt khó khăn; Hỗ trợ 1 lần cơ sở vật chất đồ dùng dạy học đối với các cơ sở giáo dục mầm non ở khu công nghiệp. Về chế độ chính sách, Quảng Nam thực hiện đúng theo mức quy định tại Nghị định 105 đối với giáo viên mầm non, đồng thời ban hành Nghị quyết sữa học đường và chính sách đặc thù cho trẻ mầm non tại địa phương.
Bà Nguyễn Thị Huệ, Phó Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT Gia Lai, chỉ ra việc thực hiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non là căn nguyên của giữ chất lượng. Địa phương đã áp dụng 10 biện pháp tăng cường tiếng Việt cho con em vùng dân tộc thiểu số.
Trước mắt để đảm bảo biên chế giáo dục mầm non, tháng 7/2022, địa phương được bổ sung 570 chỉ tiêu biên chế. Nhưng khó khăn lại nảy sinh đó là nguồn tuyển. Năm học mới bắt đầu, Gia Lai kiến nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục tập huấn cho giáo dục mầm non lớp có nhiều trẻ dân tộc thiểu số về dạy học dựa trên tiếng mẹ đẻ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Phước Lê Hải Đăng, chỉ ra khó khăn trong năm học vừa qua và cho thấy sự cần thiết phải có giải pháp tháo gỡ khi năm học mới bắt đầu. Đó là giải bài toán đội ngũ thiếu trầm trọng, trước đây thì không có biên chế để bù, nay được bổ sung biên chế thì lại không có nguồn tuyển. Thực tế cho thấy, giáo viên mầm non làm việc với cường độ cao, chính sách không bảo đảm, áp lực, dẫn đến tình trạng bỏ nghề. Ông Đăng kiến nghị điều chỉnh mức lương phù hợp đối với giáo viên mầm non hợp đồng, bổ sung chỉ tiêu biên chế là cần thiết và tuyệt đối không cắt giảm số lượng đối với giáo viên mầm non.
Cần có cơ chế, chính sách đối với tuyển dụng giáo viên mầm non, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên theo định mức. Tình trạng giáo viên bỏ việc phải được xem xét đánh giá thấu đáo, có giải pháp để “giữ chân” giáo viên. Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho giáo viên, nhân viên nấu ăn, nhân viên y tế. Vấn đề đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng xử lý tình huống cần được coi trọng, cùng với đó là việc thực hiện đánh giá đội ngũ và cần phải giảm áp lực thời gian để họ tái tạo sức lao động bảo đảm nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ chất lượng. - PGS.TS Nguyễn Bá Minh