"Từ góc độ lâm sàng và góc độ sức khỏe cộng đồng, chúng tôi tìm thấy một số thông điệp quan trọng trong nghiên cứu" - Medical Xpress dẫn lời bác sĩ Niculescu.
Ông khuyến cáo những bệnh nhân có nguy cơ cao nên được theo dõi chặt chẽ hơn vào tuần trăng tròn, cuối buổi chiều và trong tháng 9.
Để xem xét cơ chế, nhóm nghiên cứu cũng phát triển các xét nghiệm dấu ấn sinh học trong máu ở các nhóm bệnh nhân tâm thần khác nhau có thể dẫn đến ý định bi quan, bao gồm bệnh nhân trầm cảm, rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) và người đang chịu đựng các cơn đau dai dẳng.
Họ đã phát hiện ra rằng ánh trăng đã làm xáo trộn đồng hồ sinh học vào thời điểm lẽ ra trời phải tối hơn; trong khi thời điểm gần cuối buổi chiều liên quan đến việc tăng cao hormone căng thẳng cortisol và sự biểu hiện thấp của một số gien.
Trong khi tháng 9 cũng gây căng thẳng vì mọi người kết thúc kỳ nghỉ hè và đối diện lại với cuộc sống thường nhật, chưa kể sự "tụt cảm xúc" tự nhiên khi ánh sáng ban ngày giảm đi lúc trời sang thu.
Người trầm cảm và người có rối loạn sử dụng rượu (nghiện rượu) bị tác động mạnh mẽ nhất. Ngoài ra việc tăng tiếp xúc với các loại màn hình có thể làm hiệu ứng của đêm trăng mạnh mẽ hơn.
Nghiên cứu là lời gợi ý cần thiết để người thân của các bệnh nhân trầm cảm, PTSD, nghiện rượu... chú tâm hơn trong việc hỗ trợ điều trị và theo dõi bệnh nhân, cũng như là gợi ý cho các bác sĩ để có phác đồ phù hợp hơn khi các bệnh nhân nặng bước vào thời kỳ nguy cơ.
"Đây là một lĩnh vực mà chúng ta sẽ còn cần nghiên cứu thêm" - bác sĩ Niculescu nói.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí y học Discover Mental Health.