Cặp đôi tiến sĩ mê Lịch sử

Ngọc Trang | 27/11/2021, 13:51
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Quê hương cách nhau 300km, rồi tưởng “tình yêu sinh viên như con cào cào, sau cơn mưa rào con nào về nhà con nấy”, ấy vậy mà cái duyên số khiến “hai con cào cào”… vồ lấy nhau rồi cùng lao vào đam mê chung...

Cô Phan Thị Thu nhận bằng Tiến sĩ khi còn rất trẻ. Ảnh: NVCCCô Phan Thị Thu nhận bằng Tiến sĩ khi còn rất trẻ. Ảnh: NVCC

Đôi cào cào rủ nhau xây tổ ấm

Đó là câu chuyện của vợ chồng Tiến sĩ Phạm Văn Giềng (sinh năm 1988) và Phan Thị Thu (sinh năm 1990). TS Phạm Văn Giềng là giảng viên Khoa Giáo dục Chính trị Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Cô Phan Thị Thu đang công tác tại Trường THPT Einstein Hà Nội.

Nhớ lại cơ duyên đến với nhau, thầy Giềng cho biết, đó cũng là duyên đến với nghề giáo.

“Từ nhỏ, tôi rất nhút nhát. Trước khi thi đại học, tôi băn khoăn về ngành học. Mẹ tôi động viên học sư phạm vừa ý nghĩa, có thể giúp tự tin hơn, lại dễ lấy vợ. Sau đó, tôi theo học ngành Lịch sử ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2”, thầy Giềng nói.

Thầy Phạm Văn Giềng nhớ lại, ngày ấy, cô Thu là sinh viên năm thứ nhất ngồi dự thính lớp của sinh viên năm thứ ba. Vậy là lần đầu tiên gặp gỡ lại chính là buổi học Lịch sử đầy kỉ niệm.

Hồi ấy, sinh viên thường hay trêu nhau “tình yêu sinh viên như con cào cào, sau cơn mưa rào con nào về nhà con nấy”. Quê của tôi và vợ cách nhau hơn 300km. Từ Móng Cái (Quảng Ninh) đón dâu ở Khoái Châu (Hưng Yên) quả là quãng đường dài. Thế nhưng, vì tình yêu nên tôi có thêm động lực học tập để rút ngắn khoảng cách cho tương lai. Thay vì về quê, tôi phấn đấu để trở thành giảng viên công tác ở trường. Còn cô ấy cũng phấn đấu để làm việc ở Hà Nội. Giờ thì cũng ổn, “hai con cào cào” rủ nhau về xây một mái nhà”, TS Phạm Văn Giềng tâm sự.

Nổi tiếng với sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 bởi cách giảng dạy dễ hiểu, tư duy và hài hước, thầy Giềng đã giúp môn Lịch sử thêm phần hấp dẫn. Và quan trọng nhất, mỗi tiết học, các em đều cảm nhận được nhiệt huyết, sự truyền lửa của người thầy yêu sử.

Nguyên là Bí thư Đoàn trường, thầy Giềng gần gũi với sinh viên với tính cách rất “Thanh niên”. Trong mỗi giờ ngoại khóa, hay trên trang cá nhân, thầy thường chia sẻ về vợ bằng tình yêu thương trìu mến và niềm tự hào.

Nhiều sinh viên còn gọi giảng viên Khoa Giáo dục Chính trị bằng danh hiệu “thiên hạ đệ nhất yêu vợ”.

TS Phạm Văn Giềng chia sẻ: “Dù chưa có thống kê chính thức, nhưng tôi tin rằng có đến 90% các thầy giáo đều mong muốn lấy vợ cùng ngành. Sư phạm vốn là ngành không kén người học, nhưng lại kén người lập gia đình. Cánh “mày râu” làm giáo viên thường sẽ mong nửa kia có thể cảm thông với khó khăn, vất vả của nghề. Có lẽ đối với nữ giới, vấn đề chọn lựa nửa kia không nằm ở tài chính, ngoại hình mà ở chỗ, họ có đem lại cảm giác an toàn và bảo vệ được mình hay không. Vì vậy, rất nhiều cặp gia đình cả hai vợ chồng đều là giáo viên”.

Vợ của thầy không chỉ cùng ngành, mà còn cùng bộ môn giảng dạy. Vì vậy, cả hai có cơ hội hỗ trợ nhau trong cuộc sống, trao đổi chuyên môn và cùng chung nhiều sở thích.

Nếu như những cặp gia đình trẻ thường có sở thích đi cà phê, du lịch thì hai vợ chồng TS Giềng lại thích ngồi đọc sách, xem phim tài liệu lịch sử hoặc nói chuyện về giáo dục.

“Đôi lúc cũng có những tranh luận, nhưng đều liên quan đến khoa học hoặc giảng dạy. Còn 10 năm cưới nhau, chúng tôi chưa từng to tiếng bao giờ”, thầy Giềng nói.

Tập trung làm luận án tiến sĩ trước chồng, cô Phan Thị Thu từng bị trêu đùa là “vượt mặt”. Thế nhưng, cô chỉ cười. Bởi đối với gia đình nhỏ của thầy cô, quan trọng không phải ai trước, ai sau, mà là luôn cùng đi bên cạnh hỗ trợ nhau đạt được mục tiêu trong khoa học.

“Lúc tôi dành thời gian nghiên cứu thì chồng chăm sóc con cái, lúc chồng làm luận án tiến sĩ, tôi để anh dành toàn bộ tâm huyết vào đó. Chúng tôi cùng chia sẻ trong mọi công việc. Còn gì vui hơn khi được làm điều mình thích với người mình yêu. Sản phẩm luận án của tôi cũng có nhiều góp ý của chồng và ngược lại”, cô Thu tự hào nói.

Vợ chồng TS Phạm Văn Giềng và Phan Thị Thu trong ngày cưới. Ảnh: NVCC

Ấp ủ nhiều công trình về giáo dục

Đặt mục tiêu nghiên cứu khoa học, với thầy Giềng và cô Thu, đó là niềm đam mê lớn. Cô Thu được nhận xét là người làm khoa học rất cẩn thận, chính xác, chỉn chu. Còn thầy Giềng lại thích sự sáng tạo, sâu sắc và đột phá. Hai cá tính khoa học có sự khác biệt hợp lại nhưng không hề đối lập nhau, mà còn hỗ trợ nhau cùng phát triển. Có lẽ vậy mà sau nghiên cứu khoa học, vợ chồng Tiến sĩ Giềng đã cho ra mắt cuốn sách “Các công ty vận tải đường thủy ở Bắc Kỳ từ cuối thế kỉ XIX đến đầu những năm 30 của thế kỉ XX”.

Cuốn sách đánh dấu kết quả nghiên cứu chung của cả hai trên cơ sở phát triển các nghiên cứu trước đó về giao thông vận tải Việt Nam.

Vợ chồng thầy Giềng đã dành 4 năm để nghiên cứu, tham khảo nhiều tài liệu lưu trữ bằng tiếng Việt và tiếng Pháp tại các Trung tâm lưu trữ Quốc gia. Công trình phác họa những điều kiện cho sự ra đời, quá trình hoạt động và ảnh hưởng của các công ty vận tải người Việt, người Pháp và người Hoa thời Pháp thuộc.

Cuốn sách không dùng để thương mại hóa công trình nghiên cứu dù nhận được rất nhiều đề nghị. Toàn bộ sách in được gửi tặng thư viện của nhiều trường đại học, cao đẳng phục vụ công tác nghiên cứu. Bạn đọc yêu thích cũng có thể tìm mua cuốn sách trên của Nhà xuất bản Khoa học Xã hội.

Nói về kế hoạch trong thời gian tới, TS Phạm Văn Giềng cho biết, hai vợ chồng đang ấp ủ công trình nghiên cứu khác về đề tài giáo dục và đào tạo, lịch sử cho trẻ em… Công trình đang được chỉnh sửa để cấp phép xuất bản trong thời gian tới.

Viên mãn với niềm yêu thích nghiên cứu khoa học, lại được chồng hậu thuẫn, TS Phan Thị Thu cho biết, cô luôn cảm thấy mình là người hạnh phúc nhất. Niềm vui ấy được nhân lên mỗi ngày khi đứng trên bục giảng dạy cho học trò những kiến thức về sử sách cha ông. Có lẽ thế mà khi nhận xét về vợ, thầy Giềng nói: “Khả năng đặc biệt của cô ấy là có thể dành cả tiếng đồng hồ để nói chuyện trời biển qua điện thoại với học sinh”. Ngược lại, cô Thu coi đó là lời khen, bởi thầy Giềng cũng thường “dành cả tiếng để trả lời các câu hỏi của sinh viên trên mạng xã hội”.

Hiện, hai vợ chồng dành thời gian cho gia đình nhỏ với hai cậu con trai ngoan ngoãn và tiếp tục đặt mục tiêu cho nghiên cứu khoa học. Hơn cả, đó là dành tâm huyết cho mỗi trang giáo án để mong sao có thể truyền đạt được nhiều kiến thức bổ ích cho thế hệ trẻ. Với Tiến sĩ Phạm Văn Giềng và Phan Thị Thu, nghề giáo không chỉ có thử thách mà là cả vinh quang.

“Đối với chúng tôi, nghề giáo vốn rất đặc biệt bởi lấy thành công của học trò là thành công của mình. Sản phẩm của người thầy là con người cụ thể. Thành quả của nghề không xuất hiện ngay mà sẽ tích lũy dần theo năm tháng, qua bàn tay và sự chăm sóc của các thầy cô từng cấp học. Đôi lúc, chúng ta nhìn thấy nó hoặc có thể không, nhưng dấu ấn của thầy cô sẽ còn lại mãi trong lòng học trò và được trao truyền qua các thế hệ” – TS Phạm Văn Giềng nhấn mạnh.
Bài liên quan
Những nữ vận động viên trượt băng xinh đẹp nhất lịch sử
(GDTĐ) - Bên cạnh những động tác chính xác, hài hòa và đẹp mắt trên sân băng, khán giả còn được chiêm ngưỡng nhan sắc của những vận động viên xinh đẹp thuộc hàng bậc nhất trong lịch sử thể thao.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cặp đôi tiến sĩ mê Lịch sử