Theo đó, dự kiến, sau năm 2024, tiền lương của công chức và viên chức sẽ tăng khoảng 5 - 7% mỗi năm, nhằm đảm bảo rằng mức lương không bị suy giảm theo thời gian.
Từ năm 2025 trở đi, tiếp tục điều chỉnh tiền lương tăng bình quân 7%/năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang cho đến khi mức lương thấp nhất bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng I của khu vực doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng đã nêu 5 giải pháp chủ yếu để thực hiện cải cách chính sách tiền lương đồng bộ, kịp thời vào thời điểm từ ngày 1/7/2024.
Một là, trình cấp có thẩm quyền thông qua danh mục vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã.
Hai là, tập trung triển khai Nghị quyết của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV về cải cách chính sách tiền lương ngay sau khi được Quốc hội thông qua.
Ba là, thực hiện các giải pháp tài chính để tạo nguồn bảo đảm thực hiện cải cách chính sách tiền lương bền vững; xây dựng quy định về cơ chế quản lý tiền lương mới của khu vực công trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bốn là, tiếp tục thực hiện việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và giảm số lượng người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo làm cơ sở để thực hiện chế độ tiền lương mới.
Năm là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo đồng thuận xã hội, các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị về cải cách chính sách tiền lương; đặc biệt tránh lợi dụng tăng lương để tăng giá làm mất cân đối thị trường.