Điều dưỡng Lê Thị Vân Anh - Khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, viêm tiểu phế quản cấp tính là bệnh lý có viêm tại các phế quản cỡ nhỏ và trung bình. Căn nguyên bệnh thường do virus, hay gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, đặc biệt là dưới 1 tuổi.
Những điều cần biết về bệnh viêm tiểu phế quản
Trên thế giới, bệnh viêm tiểu phế quản là khá phổ biến. Theo thống kê tại Mỹ, có gần 120.000 trẻ nhập viện/năm. Việt Nam có nhiều thống kê khác nhau. Trong đó, tại Bệnh viện Nhi đồng I là 6000 trẻ/ năm, với 45 - 50% trẻ phải nhập viện. Bệnh thường mắc vào mùa đông tại miền Bắc (tháng 10, 11,12) và miền Nam vào mùa mưa (tháng 7, 8).
Các căn nguyên gây bệnh phổ biến hay gặp là virus mà điển hình là RSV (Respiratory Syncitial Virus) chiếm 50 - 70%, có khả năng lây lan rất cao, có thể thành dịch. Các nhóm nguyên nhân khác như Adenovirus, virus cúm, Mycoplasma pneumoniae, Rhino virus…
Các triệu chứng lâm sàng hay gặp của bệnh là: Viêm long hô hấp trên như ho, hắt hơi và chảy mũi tăng dần, có thể ho đờm cơn dữ dội, trẻ khò khè, mệt, mất nước, chán ăn và bỏ bú; sốt nóng 38 - 39 độ C; thở nhanh có thể có suy hô hấp; phổi có thể có ran ẩm nhỏ hạt hoặc ran rít, ran ngáy… Có thể kèm theo rối loạn tiêu hóa như đi lỏng, nôn.
Cách chăm sóc bệnh nhân viêm tiểu phế quản
Đảm bảo chức năng hô hấp và hạ sốt cho trẻ: Nên nới rộng quần áo, cho trẻ nằm phòng thoáng và yên tĩnh. Đặt trẻ ở tư thế phù hợp. Vệ sinh mũi họng cho trẻ hằng ngày bằng nước muối sinh lý. Trẻ sốt nên được dùng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ từ 38,5 độ C trở lên, theo chỉ định của bác sĩ.
Chú ý chế độ dinh dưỡng hợp lý: Với trẻ còn bú mẹ, nên tăng cường các bữa bú. Trường hợp những trẻ đã ăn dặm, thức ăn nên được chế biến loãng hơn. Uống thêm nước theo nhu cầu, có thể là nước lọc, nước ép hoa quả, nước cháo...để làm loãng dịch nhầy đờm đường thở.
Cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu, chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Việc làm thông thoáng đường thở trước khi ăn làm một việc cần thiết. Nên sử dụng nước muối sinh lý, sau khi nhỏ muối sinh lý, đợi một lúc để nước mũi loãng ra rồi dùng dụng cụ hút sạch mũi hoặc có thể dùng miệng để hút mũi trẻ.
Dùng thuốc theo đơn và tái khám: Trẻ được dùng thuốc theo đơn của bác sĩ. Trong đó, chủ yếu là các thuốc long đờm, ăn uống đầy đủ, bù dịch theo hướng dẫn và tái khám theo hẹn. Hoặc, cần khám lại khi có các dấu hiệu bất thường như: sốt tăng, ho tăng nhiều, khò khè, thở rít hoặc bỏ ăn, bỏ bú, tím tái…
Để phòng bệnh, chuyên gia khuyến cáo, trẻ cần được bú mẹ đầy đủ. Khuyến cáo cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú tới khi trẻ 24 tháng tuổi. Cần giữ ấm cho trẻ vào mùa đông, nhất là khi có thay đổi thời tiết. Giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, đặt trẻ nằm buồng thoáng mát, tránh gió. Tránh khói thuốc và khói bụi trong nhà. Tiêm phòng cho trẻ đầy đủ và đúng lịch theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Nếu nhà có người bị cúm, nhiễm khuẩn, nên tiến hành cách ly để trẻ không bị lây bệnh.