Nếu hôm nào mượn được đủ thiết bị thì các con của anh sẽ được vào học cùng giờ với các bạn trong lớp, cô giáo không phải giảng lại bài nữa.
Tìm mọi cách để xoay sở
Không chỉ riêng gia đình nhà anh Cường, anh Sơn, nhiều hộ gia đình khác trong xóm Phao hầu như chỉ có điện thoại “cục gạch”. Cứ đến giờ học, những đứa trẻ ở đây lại thấp thỏm chờ đợi bố mẹ đi mượn thiết bị để học trực tuyến. Có những em đang trong giai đoạn chuẩn bị chuyển cấp cũng phải tìm cách xin lên phố, ở lại nhà người quen để tiện học nhờ.
Hơn nửa đời người phiêu bạt trên sông, bà Lê Thị Mai (SN 1954, quê ở Phú Xuyên) cũng tâm sự: "Người dân trong xóm Phao hầu hết đều sinh sống trong cảnh không có giấy tờ tuỳ thân đã nhiều năm nay. Việc học tập của các cháu cũng vì thế mà chật vật vì rất ít trường dám nhận vào học".
Tuy không phải là "dân gốc", thế nhưng trong dịch Covid-19, cán bộ chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần động viên, giúp đỡ bà con trong xóm Phao. Bà Mai cũng mong rằng, dịch bệnh sẽ sớm qua đi, các cháu nhỏ trong xóm cũng được tiêm vaccine, có điều kiện ăn học tốt hơn để sau này thoát khỏi cảnh lênh đênh trên sóng nước.
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Đăng Được (Trưởng xóm Phao) cho biết: "Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều trẻ em ở đây cũng phải ở nhà học trực tuyến. Thế nhưng do điều kiện thiếu thốn, đường truyền mạng chập chờn nên việc học của các cháu ở xóm Phao cũng bị gián đoạn".
Theo ông Được, không chỉ thiếu thốn về vật chất, xóm Phao ở bãi giữa sông Hồng còn thiếu cả nước sạch, điện thắp sáng. Các hộ gia đình tại đây phải dựng nhà bè, phao nổi để sinh sống nhiều năm nay trên sông Hồng.
Hiện tại, xóm Phao đang có hơn 30 hộ gia đình sinh sống với hơn 100 nhân khẩu. Người dân trong xóm chủ yếu mưu sinh bằng đủ thứ nghề như nhặt ve chai, rửa bát thuê, bốc vác,...