ChatGPT với giáo dục: Lợi hay hại do mục đích sử dụng

Ngô Chuyên | 26/02/2023, 17:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Siêu trí tuệ nhân tạo ChatGPT trở thành chủ đề nóng trên toàn thế giới với nhiều điểm vượt trội.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lưu ý, người sử dụng cần chọn lọc thông tin và không nên lệ thuộc vào công nghệ.

Trải nghiệm ban đầu

Là kỹ sư phần mềm tại Tập đoàn Positive Thinking APAC, anh Bùi Vinh Hiếu đã sử dụng ChatGPT từ khi phần mềm này ra đời để nghiên cứu và trải nghiệm tính năng mới. Anh nhìn nhận: “So với các phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) trên thị trường hiện nay như Github Copilot hay TabNine, tốc độ đưa ra câu trả lời của ChatGPT không có gì nổi bật. Tuy nhiên, sự đa dạng trong cách trả lời giúp ChatGPT ở tầm cao hơn khi đưa ra gợi ý với nhiều ngôn ngữ, cách giải quyết”.

Theo anh Hiếu, điểm nổi bật của ChatGPT là sự đa dạng trong các lĩnh vực mà AI có thể hỗ trợ con người. Nó biết làm báo, viết sách, lập trình, giải toán… AI hay cụ thể là ChatGPT còn thay thế con người làm những công việc nhàm chán như tra cứu, đánh máy văn bản, tổng hợp dữ liệu từ nhiều nguồn…, từ đó dành thời gian cho công việc sáng tạo hơn.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa ChatGPT có thể làm mọi việc. “Dù rất thông minh, được trang bị nguồn dữ liệu khổng lồ, ChatGPT vẫn đưa ra câu trả lời không chính xác. Một số thông tin rất “ngây ngô”, thậm chí là sai lệch. Điều này do ChatGPT tổng hợp dữ liệu từ rất nhiều nguồn nhưng chưa có cơ chế để xác minh nguồn dữ liệu đó “sạch” hay không”, nam kỹ sư chia sẻ đồng thời đưa ra khuyến cáo: ChatGPT được đánh giá quá cao so với năng lực thật. Nên coi đây là công cụ hỗ trợ công việc, một Google thu nhỏ thay vì lạm dụng.

Tò mò với công nghệ mới, anh Nguyễn Mạnh Cường, ở Hà Nội, đã thử cài đặt ChatGPT để nghiên cứu. “ChatGPT đem lại kết quả chính xác nhất khi sử dụng bằng tiếng Anh. Còn tiếng Việt vốn đa nghĩa nên câu trả lời chưa thật sự logic. Ngoài ra, ChatGPT chưa chọn lọc được thông tin nên nhiều câu trả lời không chính xác”, anh Cường thừa nhận đồng thời cho hay:

Người dùng, đặc biệt là học sinh, sinh viên nếu lạm dụng ChatGP dễ dẫn đến phụ thuộc và mất kiến thức căn bản. Có thể coi ChatGPT như trợ lý để đưa ra giải pháp trước một câu hỏi/vấn đề, sau đó thầy và trò cùng trao đổi, làm rõ hơn lý do chọn giải pháp đó hoặc phản biện lại. Giáo viên chốt lại kiến thức cơ bản. Việc này giúp thầy trò tăng gắn kết, học sinh tự tin bày tỏ quan điểm…

ChatGPT với giáo dục: Lợi hay hại do mục đích sử dụng ảnh 1

Bác sĩ Ninh Thị Phương Mai, Khoa Nội Nhi Tổng hợp, Bệnh viện E. Ảnh: NVCC

Sử dụng đúng mục đích

Công cụ trí tuệ nhân tạo là thành tựu vượt bậc của nhân loại, hỗ trợ nhiều mặt trong đời sống của con người. Sự tiện lợi này vừa là ưu điểm nhưng cũng là mối nguy lớn tới sự phát triển của học sinh.

Chia sẻ điều này, bác sĩ Ninh Thị Phương Mai, Khoa Nội Nhi Tổng hợp, Bệnh viện E (Hà Nội), nhìn nhận: Lứa tuổi học đường là lúc não bộ phát triển mạnh mẽ, đồng thời góp phần hình thành các thói quen, tính cách khi trưởng thành. Việc tự đọc, tổng hợp kiến thức và đưa ra lời giải cho các bài tập giúp trẻ rèn luyện trí não cũng như tính kiên trì, khả năng tự tìm hiểu và tổng hợp tri thức, thúc đẩy khả năng suy luận logic, phân tích đúng - sai.

Theo thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu phát triển trẻ em, Đại học Havard – Mỹ, sự tương tác và các trải nghiệm, học tập giúp định hình bộ não ở trẻ. Mặc dù gen cung cấp bản thiết kế cho sự hình thành các liên kết não, nhưng các liên kết này được củng cố bằng cách sử dụng lặp đi lặp lại. Một thành phần chính trong quá trình phát triển này là sự tương tác giữa trẻ với cha mẹ và người khác trong gia đình hoặc trường lớp, cộng đồng.

Trong trường hợp không có sự tương tác, hoặc không có hoạt động học tập phù hợp dẫn đến cấu trúc của bộ não không hình thành như mong đợi, điều này có thể gây nên sự chênh lệch trong học tập và hành vi, thậm chí có thể ảnh hưởng đến cấu trúc não bộ.

“ChatGPT chỉ nên tham khảo, nếu sử dụng không phù hợp, hoặc tệ hơn là để trẻ phụ thuộc vào công cụ này, vô tình chúng ta để trẻ “nhảy cóc” qua giai đoạn vàng phát triển trí não; tạo thói quen ỷ lại, lười tư duy, kém suy luận, hổng kiến thức. Tình trạng phụ thuộc diễn ra trong thời gian dài sẽ dẫn đến hậu quả khó khắc phục. Thậm chí, nếu trẻ quá chìm đắm vào tương tác với phần mềm trí tuệ nhân tạo làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý như trầm cảm, tự kỷ…”, bác sĩ Phương Mai cảnh báo.

“Sự xuất hiện của các phần mềm trí tuệ nhân tạo là xu thế tất yếu. Sau ChatGPT, có thể còn nhiều công cụ hỗ trợ con người đắc lực hơn nữa ra đời. Tuy nhiên, các phần mềm này chỉ nên dừng lại ở vai trò tham khảo, hỗ trợ. Do vậy, phụ huynh, nhà trường cần có định hướng, tư vấn để trẻ không lạm dụng dẫn đến phụ thuộc, giảm tương tác xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển”, bác sĩ Ninh Thị Phương Mai khuyến cáo.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ChatGPT với giáo dục: Lợi hay hại do mục đích sử dụng