Không thấy triển vọng đột phá
Ngoài sự hoài nghi ngày càng tăng của dư luận về chi phí hỗ trợ cho Ukraine, kết quả đáng thất vọng từ chiến dịch phản công của Kiev trong mùa hè năm nay đặt ra câu hỏi, rằng mục tiêu mà Ukraine tuyên bố là giành lại toàn bộ lãnh thổ mà Nga kiểm soát có thực tế không.
Theo các quan chức châu Âu, Nga có thể sẽ hành động mạnh hơn để giành thêm lãnh thổ và phá hủy thêm cơ sở hạ tầng quân sự nếu Ukraine thiếu vũ khí nghiêm trọng. Họ cho rằng nếu Ukraine không thể tự bảo vệ mình, Kiev sẽ buộc phải chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn theo điều kiện của Nga.
Những người ủng hộ Ukraine ở EU và Mỹ đều tin rằng viện trợ có thể sẽ được phê duyệt bằng một hình thức nào đó trong đầu năm tới. Tuy nhiên, các quan chức khác cho rằng điều đó khó có thể tạo nên bước đột phá lớn trên chiến trường, mà nguy cơ hiện hữu là cuộc xung đột có thể kéo dài nhiều năm nữa.
Tại các nước vùng Baltic, một số quan chức đã cảnh báo người dân hãy sẵn sàng cho cuộc xung đột tiếp theo vì Nga sẽ không suy sụp ở Ukraine.
“Nga không sợ NATO”, Tư lệnh quân đội Estonia Martin Herem nói trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình địa phương tuần trước. Ông ước tính rằng quân đội Nga có thể sẵn sàng tấn công NATO trong vòng 1 năm sau khi kết thúc xung đột ở Ukraine.
Một số quan chức phương Tây khác lại cho rằng Nga sẽ phải mất ít nhất vài năm mới bù đắp được những tổn thất to lớn ở chiến trường Ukraine.
Tuy nhiên, niềm tin phổ biến ở châu Âu trước đây rằng chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga sẽ thất bại, giờ đã phai nhạt, thay vào đó là cảm giác ngày càng tăng rằng việc Tổng thống Putin đặt cược ông có thể tồn tại lâu hơn Mỹ và các đồng minh có thể được chứng minh là đúng.
Trong khi đó, một số nước châu Âu khác có thể sẽ tìm cách tăng cường quan hệ với Nga và Trung Quốc để tránh phải dựa quá nhiều vào Mỹ, các quan chức châu Âu cho biết.