GDTĐ – Tàu khu trục Mỹ bất ngờ tham gia tập trận cùng tàu chiến Nga và Iran tại sự kiện hải quân mang tên MILAN 2024 tại Ấn Độ.
Cuộc tập trận hải quân đa quốc gia quy mô lớn MILAN lần thứ 12 được tổ chức tại Visakhapatnam của Ấn Độ trong 9 ngày, từ 19 đến 27/2/2024.
Sự kiện MILAN 2024 còn mang ý nghĩa ngoại giao quan trọng, nhấn mạnh ảnh hưởng ngày càng tăng của Ấn Độ trên toàn cầu.
Tại đây đã chứng kiến động thái chưa từng có khi tàu hải quân Mỹ, Iran và Nga cùng nhau tham gia cuộc tập trận, bất chấp căng thẳng đang diễn ra giữa các bên, bao gồm sự can dự của Mỹ vào xung đột Ukraine hay phương Tây đổ lỗi cho Iran hậu thuẫn lực lượng Houthi trên Biển Đỏ.
Sự tham gia của tàu khu trực USS Halsey của Mỹ, IRIS Dena của Iran và tàu tuần dương Varyag của Nga, cùng với các hạm đội quốc tế khác - báo hiệu "một lớp" cam kết ngoại giao đa sắc thái.
Mỹ - Nga hay Mỹ - Iran nổi tiếng với mối quan hệ căng thẳng và xung đột lợi ích trên nhiều lĩnh vực toàn cầu, đã gạt bỏ những khác biệt để tham gia cuộc tập trận hải quân do Ấn Độ dẫn đầu. Sự kiện đã nhấn mạnh sự tôn trọng và sức nặng ngoại giao mà Ấn Độ nắm giữ khi các quốc gia này quyết định tham gia vào cuộc tập trận MILAN 2024.
Vai trò của Ấn Độ với tư cách chủ nhà và trung gian hòa giải trong bối cảnh quốc tế hiện nay là rất quan trọng. Việc lực lượng hải quân từ các quốc gia có quan hệ đối địch đã “sát cánh” cùng nhau, thể hiện khả năng của Ấn Độ trong thu hẹp sự chia rẽ và khuyến khích đối thoại, hợp tác trên cơ sở quốc gia trung lập.
Sự kiện cũng nêu bật tầm quan trọng chiến lược của Ấn Độ trong bối cảnh địa chính trị hiện tại, nơi ảnh hưởng của họ có khả năng gắn kết các quốc gia đang có xung đột lại với nhau.
“Cuộc tập trận Milan 2024 đã vượt qua mục tiêu chính là tăng cường an ninh hàng hải và an toàn thương mại hàng hải”, trang Navy Recognition bình luận: “Nó cũng là minh chứng cho sức mạnh ngoại giao của Ấn Độ với tư cách là một quốc gia có khả năng điều hướng các mối quan hệ quốc tế phức tạp”.
Milan là cuộc tập trận hải quân đa quốc gia diễn ra 2 năm/lần bắt đầu từ năm 1995 với sự tham gia ban đầu của Indonesia, Singapore, Sri Lanka và Thái Lan, phù hợp với Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ.