GDTĐ - Trẻ em Nhật Bản dành trung bình gần 5 giờ mỗi ngày cho các hoạt động trực tuyến, trong khi khoảng 65% trẻ em 10 tuổi đã có điện thoại thông minh riêng.
Cuộc khảo sát được thực hiện bởi Cơ quan Trẻ em và Gia đình Nhật Bản vào năm 2023, cũng cho thấy mục đích chính của việc sử dụng Internet ở độ tuổi trẻ chủ yếu để xem video, trong khi âm nhạc, trò chơi và việc sử dụng công cụ tìm kiếm cũng được xếp hạng cao.
Thời lượng sử dụng Internet hàng ngày vào các ngày trong tuần của học sinh trung học Nhật Bản ở mức 6 giờ 14 phút, tăng 29 phút so với cuộc khảo sát trong năm 2022.
Thời lượng sử dụng của học sinh trung học cơ sở tăng 5 phút so với năm trước lên 4 giờ 42 phút và tăng 12 phút lên 3 giờ 46 phút đối với học sinh tiểu học từ 10 tuổi trở lên.
Hơn một nửa số học sinh 7 tuổi sử dụng Internet để học tập, với sáng kiến của chính phủ Nhật Bản cung cấp một máy tính hoặc máy tính bảng cho mỗi học sinh có thể đã ảnh hưởng đến con số này.
Tỷ lệ sở hữu điện thoại thông minh ở mức 21,3% đối với trẻ 7 tuổi, 65,2% đối với trẻ 10 tuổi, lên tới 91,9% đối với trẻ 13 tuổi và 99,1% đối với trẻ 16 tuổi ở Nhật Bản.
Mặc dù vậy, có tới 83,4% cha mẹ có con từ 10 tuổi trở lên cho biết họ đặt ra các hạn chế đối với việc sử dụng điện thoại thông minh của con. Với sự kiểm soát của phụ huynh để chặn trẻ truy cập vào các trang web không phù hợp là biện pháp bảo vệ phổ biến nhất với tỷ lệ 44,2%.
Các biện pháp khác được cha mẹ có con nhỏ đến 9 tuổi thực hiện bao gồm đảm bảo sử dụng thiết bị trước mặt người lớn ở mức 61,9% và đặt giới hạn về thời gian và địa điểm sử dụng thiết bị ở mức 58,1%.
Cuộc khảo sát được thực hiện từ tháng 11 đến tháng 12 năm ngoái, đã nhận được phản hồi từ 2.160 phụ huynh được chọn ngẫu nhiên có con trong độ tuổi 1 đến 9, cũng như 3.279 học sinh từ 10 đến 17 tuổi và 3.322 người giám hộ của các em.