Ở góc nhìn khác, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, Bộ GD&ĐT cần tăng cường tổ chức khóa tập huấn, đào tạo để trang bị kiến thức và kỹ năng, giúp giáo viên không chỉ hiểu đúng, mà còn sâu về chương trình môn học cũng như định hướng dạy học. Qua đó, phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh.
Mặt khác, cần tăng cường tập huấn giáo viên các cấp học về chương trình, sách giáo khoa, phương pháp và kỹ thuật dạy học lịch sử, về kiểm tra, đánh giá. Ngoài đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo giáo viên, các cơ sở đào tạo cần chủ động, tích cực tham gia viết tài liệu bồi dưỡng giáo viên.
Đối với cơ sở giáo dục phổ thông, trên cơ sở tham mưu của tổ, nhóm chuyên môn, ban giám hiệu rà soát kỹ kế hoạch dạy học môn Lịch sử; khuyến khích việc xây dựng chương trình theo hướng tự chủ và chú trọng dạy học trải nghiệm thực tế.
Ngoài ra, các trường phổ thông và cơ sở đào tạo giáo viên cần tạo ra sân chơi cho học sinh, sinh viên. Triển khai tiết dạy, chuyến trải nghiệm để người học thấy tầm quan trọng, sự liên hệ mật thiết giữa lịch sử với đời sống hằng ngày; từ đó giúp các em có ý thức hơn trong học tập; trên hết thấy học môn Lịch sử là nhu cầu tự thân.