Do đó, cần xác định rõ hoạt động nào là chính ở phần này thì cần dành phần lớn thời gian, sự tập trung, còn những hoạt động nào có tính bổ trợ thì cân nhắc đưa vào phần Khởi động.
Tiết học trải nghiệm sáng tạo môn Mĩ Thuật tại Trường THCS Nguyễn Văn Cừ (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Ảnh: INT |
Ở phần Hình thành kiến thức, kĩ năng mới thì hoạt động thực hành, sáng tạo sản phẩm mĩ thuật sẽ là chính, nên những hoạt động tìm hiểu các bước gợi ý, thị phạm quy trình tạo sản phẩm mĩ thuật chỉ là những định hướng, gợi mở cho phần học sinh thực hành, không thể chiếm nhiều thời gian.
Ở phần này, giáo viên có thể dùng nhiều kĩ thuật để hỗ trợ đối với học sinh chưa tìm được ý tưởng, vật liệu, cách làm… như phân tích các hình minh họa trong sách; mời học sinh khác lên bày tỏ ý kiến, cách giải quyết với tình huống khó khăn của bạn… cũng như khai thác vốn kinh nghiệm đã có của học sinh đối với môn học ở tình huống tương tự. Việc học sinh thực hiện sản phẩm mĩ thuật thể hiện việc hiểu biết về kiến thức, kĩ năng mới nên đây sẽ là phần trọng tâm trong tiến trình lên lớp.
Ở phần Luyện tập có mục tiêu nhằm củng cố kiến thức kĩ năng đã học nên các hoạt động ở phần này nhằm làm rõ các yếu tố cấu thành nên sản phẩm mĩ thuật, cũng như giải quyết phần phẩm chất, liên hệ thực tiễn. Cần chú ý, hệ thống câu hỏi định hướng trong sách giáo khoa chỉ nêu lên các ý khái quát, còn lại giáo viên cần tổ chức cho học sinh tìm kiếm, bổ sung trên cơ sở sản phẩm mĩ thuật đã thực hiện.
Ở phần Vận dụng có tính chất kết nối tri thức với cuộc sống nên những hoạt động nhằm mở rộng, khai thác năng lực ứng dụng thẩm mĩ cần được tập trung. Ở phần này, khuyến khích tổ chức các hoạt động nhóm, dự án học tập để mở rộng không gian giáo dục, từ nhà trường cho đến cộng đồng.
Như vậy, ở mỗi bài học/chủ đề trong môn Mĩ thuật, học sinh không chỉ sáng tạo nên sản phẩm mĩ thuật thuần túy, mà qua đó hình thành nên những năng lực mĩ thuật đặc thù: Quan sát và nhận thức thẩm mĩ – sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ – phân tích và đánh giá thẩm mĩ.
Giáo viên cần nắm chắc mục tiêu của bài học/chủ đề để biết lựa chọn, tổ chức các hoạt động thực sự cơ bản, có ích trong dạy học thì mới có thể hướng dẫn học sinh cách lĩnh hội, từng bước hình thành, rèn luyện những kĩ năng liên quan.