Để hoàn thành các mục tiêu trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp.
Nhóm nhiệm vụ và giải pháp thứ nhất, hoàn thiện thể chế, chính sách và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về phát triển kỹ năng nghề cho người lao động trong thời kỳ mới. Trong đó có nhóm thể chế, chính sách chung và nhóm chính sách ưu tiên, hỗ trợ đối với người lao động và doanh nghiệp.
Nổi bật lên là chính sách cho vay ưu đãi và cấp phát thẻ phát triển kỹ năng nghề có giá trị tương đương từ 1 - 3 tháng lương tối thiểu vùng cho người lao động. Các mức hỗ trợ, ưu đãi tùy theo độ tuổi và nhu cầu của người lao động.
Các nhà giáo, đánh giá viên kỹ năng nghề có nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề gắn với đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia được cấp thẻ phát triển kỹ năng nghề 1 lần trị giá 3 tháng lương cơ sở. Các chuyên gia có kỹ năng, trình độ cao đáp ứng một số tiêu chí đưa ra sẽ được nhận mức hỗ trợ bằng 3 tháng lương tối thiểu vùng.
Chính sách cho vay ưu đãi đối với các tổ chức đánh giá kỹ năng nghề, giúp họ đáp ứng điều kiện để được cấp giấy chứng nhận hoạt động và tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Nhà nước đảm bảo đầu tư, phát triển đối với tổ chức đánh giá kỹ năng nghề trọng điểm cấp quốc gia và cấp vùng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp, người sử dụng lao động tham gia tư vấn, định hướng nghề nghiệp, hoặc tham gia đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó hỗ trợ người lao động tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia tại doanh nghiệp, thì chi phí tham gia được tính một cách hợp lý để xác định thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thứ hai, tổ chức thông tin, tuyên truyền, tôn vinh về nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam.
Thứ ba, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về chuẩn hóa và phát triển kỹ năng lao động.
Thứ tư, xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và nâng cao năng lực hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Thứ năm, thúc đẩy đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và hình thành hội đồng kỹ năng ngành, nghề các cấp.
Thứ sáu, phát triển đội ngũ lao động chất lượng cao, chuyên gia có trình độ kỹ năng nghề cao.
Thứ bảy, tăng cường hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học về phát triển kỹ năng lao động Việt Nam và tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho người lao động.
Cuối cùng là tăng cường kiểm tra, đánh giá, tổng kết kết quả nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam.