Hiện Bộ GD&ĐT quy định khoảng 20 phương thức tuyển sinh đại học và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế chỉ là một trong số đó. Với việc đa dạng hóa phương thức tuyển sinh nhằm tăng cơ hội, đảm bảo công bằng cho thí sinh ở mọi vùng miền.
Và phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đã và đang được coi là xu hướng tuyển sinh lành mạnh, được nhiều cơ sở giáo dục đại học sử dụng.
TS Lê Mỹ Phong - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT). |
TS Lê Mỹ Phong - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) chia sẻ: “Bộ GD&ĐT vẫn có quy định miễn thi môn Ngoại ngữ để xét tốt nghiệp THPT với những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ nằm trong danh mục quy định. Tuy nhiên, việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển đại học thì tùy thuộc quy định khác nhau của mỗi trường
Những năm trước, danh mục những chứng chỉ ngoại ngữ thí sinh được miễn thi trong xét tốt nghiệp chỉ nêu trong hướng dẫn thi. Năm nay, Bộ GD&ĐT đã đưa hẳn vào Quy chế thi (phần phụ lục). Điều này chứng tỏ sự quan tâm về chứng chỉ ngoại ngữ được nâng lên.
Thực tế, qua thống kê cho thấy, ngoại ngữ không chỉ có lợi thế trong tuyển sinh mà những sinh viên làm chủ ngoại ngữ sau khi ra trường có mức lương cao hơn, cơ hội việc làm và phát triển bản thân tốt hơn.
PGS. TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết: "Nhiều năm trở lại đây, các trường đại học nói chung và Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nói riêng đã sử dụng một số chứng chỉ tiếng Anh quốc tế thông dụng như IELTS, TOEFL để kết hợp với các tiêu chí khác. Ví dụ như kết hợp với 2 môn thi và kết hợp với đánh giá năng lực để tuyển sinh đầu vào với hệ chính quy, thì cũng đã trở nên phổ biến. Và trong những năm gần đây thì chỉ tiêu cho phương thức này thì có xu hướng càng ngày càng tăng lên".