Chương trình GDPT 2018: Hiểu đúng mới có thể chỉ đạo, triển khai đúng

06/09/2023, 07:12
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chủ biên Chương trình môn Vật lí đưa ra một số giải pháp nhằm triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018...

Căn cứ để đánh giá là các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực được quy định trong Chương trình tổng thể và chương trình môn học. Đối tượng để đánh giá là sản phẩm và quá trình học tập, rèn luyện của học sinh.

Chú ý rằng từ trước đến nay, chúng ta chú trọng đánh giá sản phẩm mà chưa coi trọng đúng mức đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của học sinh.

Để giúp người học phát triển phẩm chất, năng lực thì điều quan trọng, không thể coi nhẹ là đánh giá quá trình học tập và rèn luyện của học sinh. Hình thức đánh giá này do giáo viên tổ chức, có sự phối hợp đánh giá của giáo viên với cha mẹ cũng như bản thân học sinh được đánh giá và của các học sinh khác trong tổ, lớp.

Xin nhấn mạnh, kiến thức, kĩ năng, các thuộc tính cá nhân là nguyên liệu để hình thành phẩm chất, năng lực người học. Điều này có thể hiểu thô là cũng như cơm ăn, nước uống là nguyên liệu để có sức khỏe.

Khi kiểm tra, đánh giá sức khỏe, phải dựa trên các tiêu chí cụ thể (ví dụ: Số đo chiều cao, khối lượng, tim, phổi...), không ai dựa vào khối lượng thức ăn.

Cũng như vậy, khi đánh giá kết quả giáo dục, phải dựa vào các yêu cầu cần đạt về phẩm chất năng lực đã được quy định ở chương trình GDPT, chứ không phải đánh giá khối lượng kiến thức. Hiện nay, chúng ta vẫn ngộ nhận thi và kiểm tra trong giáo dục là nhằm đánh giá kiến thức.

Trong Chương trình tổng thể và các chương trình môn học đều có quy định chi tiết yêu cầu mà học sinh cần đạt về phẩm chất và năng lực. Vấn đề còn lại là khâu tổ chức kiểm tra đánh giá của các cấp quản lí giáo dục.

Chương trình GDPT 2018: Hiểu đúng mới có thể chỉ đạo, triển khai đúng ảnh 3
Ảnh minh họa ITN.

Thấu hiểu tinh thần đổi mới

- Sau 3 năm học triển khai Chương trình GDPT 2018, theo ông, những vấn đề quan trọng nào cần được quan tâm để tiếp tục triển khai tốt Chương trình trong giai đoạn tiếp theo?

- Điều quan trọng đầu tiên, theo tôi là cần thấu hiểu tinh thần đổi mới theo Nghị quyết 29 của Trung ương, Nghị quyết 88 của Quốc hội. Hiểu đúng mới có thể chỉ đạo, triển khai đúng. Cùng đó, các địa phương phải quan tâm đúng mức, bảo đảm điều kiện thực hiện Chương trình GDPT mới, theo đúng Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Các cấp quản lý giáo dục chỉ đạo và hỗ trợ các trường thực hiện việc phân hóa ở cấp THPT theo đúng tinh thần hướng nghiệp, không thực hiện phân ban để thi đại học. Có thể xây dựng một số mô hình làm mẫu để phổ biến và hướng dẫn cách làm cụ thể cho các trường. Tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm giữa lãnh đạo các trường.

Nhà nước quản lý chất lượng SGK thông qua các hội đồng thẩm định chuyên môn được chọn lựa kỹ càng. Để có SGK có chất lượng thì cách làm hiện nay đang đúng, vì tạo được cơ chế cạnh tranh trong việc viết SGK; giới thiệu công khai các bộ SGK ngay khi còn là bản thảo, góp phần tạo thêm động lực khiến đội ngũ làm SGK cho ra đời những cuốn sách tốt hơn.

Nếu chỉ có một bộ SGK duy nhất thì sẽ có thể rơi vào tình trạng tác giả SGK chưa chắc là người phù hợp nhất và nhất là không tận dụng được trí tuệ của nhiều người giỏi khác. Mặt khác, còn không tránh khỏi việc độc quyền như các hàng hóa khác.

Nâng cao chất lượng bồi dưỡng giáo viên và nhất là đội ngũ quán lí giáo dục vì đây là những người trực tiếp thực hiện chương trình GDPT. Việc tập huấn giáo viên cần được triển khai đại trà và thường xuyên để giúp đội ngũ này nhanh chóng làm quen với dạy học theo chương trình GDPT vì họ đang có thói quen dạy theo SGK và chủ yếu sử dụng hình thức thuyết trình mà ít tổ chức dạy học bằng các hoạt động học của học sinh cũng như các hoạt động giáo dục tích cực. Tăng cường hoạt động chia sẻ kinh nghiệm và mô hình tốt/cách làm hay giữa các trường.

- Nếu chọn một giải pháp căn bản, đâu sẽ là phương án ông lựa chọn để tác động đến hiệu quả triển khai chương trình mới?

- Do đặc thù ở nước ta, tư tưởng học để thi rất nặng nề và chi phối mọi hoạt động của nhà trường nên muốn thay đổi chất lượng giáo dục phải bắt đầu bằng việc thay đổi hình thức thi. Phải thiết kế nội dung và hình thức thi sao cho đánh giá được phẩm chất và năng lực mà học sinh cần đạt được trong học tập và rèn luyện ở trường phổ thông. Từ đây sẽ tác động ngược trở lại việc dạy và học vì thi cái gì thì các trường sẽ dạy và luyện cho học sinh như thế.

Để thực hiện thành công Nghị quyết 29 của Trung ương và Nghị quyết 88 của Quốc hội, để làm cho việc dạy và học theo đúng nghĩa, cần thực hiện hai đổi mới sau đây về kiểm tra đánh giá trong GDPT:

Một là, thực hiện đúng mức đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của học sinh. Ngoài những tác động về giáo dục như đã được thừa nhận cả về lí luận và thực tiễn, việc này còn góp phần tránh học tài thi phận, đánh giá được các kĩ năng không thể hiện được qua các cuộc thi như năng lực lãnh đạo, hợp tác, làm việc nhóm…

Hai là, cải tiến hình thức thi để có thể đánh giá đầy đủ năng lực người học; Không áp dụng duy nhất hình thức thi trắc nghiệm khách quan lựa chọn một trong bốn phương án trả lời.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Chương trình GDPT 2018 có nhiều tiến bộ vượt trội so với những chương trình GDPT trước đó. Khác với những chương trình GDPT trước đây đều thể hiện mục đích là học để “biết”, mục đích học tập ở Chương trình GDPT 2018 là học không chỉ để biết mà cao hơn là để “làm”.

Một số điểm vượt trội tiêu biểu nhất của Chương trình GDPT 2018: Là chương trình giáo dục phát triển năng lực; nội dung dạy học có tính mở; lần đầu tiên phân định rõ cấp học giáo dục định hướng nghề nghiệp; chú trọng giáo dục toàn diện con người; trả lại thực chất của việc dạy học; sát với thực tiễn và khả thi. - PGS.TS Nguyễn Văn Khánh

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/chuong-trinh-gdpt-2018-hieu-dung-moi-co-the-chi-dao-trien-khai-dung-post652147.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/chuong-trinh-gdpt-2018-hieu-dung-moi-co-the-chi-dao-trien-khai-dung-post652147.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chương trình GDPT 2018: Hiểu đúng mới có thể chỉ đạo, triển khai đúng