Việc sắp xếp cho chuyến thăm Bắc Kinh của Henry Kissinger - Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Richard Nixon - hoàn toàn được giữ bí mật. Ngay cả Bộ Ngoại giao Mỹ cũng bị loại khỏi cuộc chơi sau khi các nhà ngoại giao bày tỏ lo ngại về hậu quả của việc thiết lập quan hệ với Trung Quốc. Pakistan là bên trung gian đứng ra dàn xếp chuyến đi.
Bước đầu tiên của kế hoạch là tạo ra sự phân tâm. Ông Kissinger rời Washington vào ngày 1/7/1971 trong một chuyến đi tìm hiểu thực tế ở châu Á, với lịch trình được thiết kế buồn tẻ và mệt mỏi nhất có thể. Một tuần công du qua nhiều điểm dừng như Guam, Bangkok và New Delhi, trước khi ông Kissinger đến Islamabad (Pakistan). Lúc đó chỉ còn lại một phóng viên người Mỹ theo đoàn.
Tổng thống Pakistan Yahya Khan đã đi đầu trong việc tạo điều kiện kết nối giữa người Mỹ và người Trung Quốc. Trong bữa tối chào đón của nước chủ nhà Pakistan, bị choáng ngợp bởi "sức nóng khủng khiếp" của lục địa châu Á và lịch trình di chuyển dày đặc, ông Kissinger bị ốm.
Tổng thống Yahya Khan nhất quyết yêu cầu đưa ông Kissinger tớibiệt thự của chính phủ có tên Nathia Gali, từng là trạm gác trên đồi thời thuộc địa Anh, cách Islamabad vài giờ lái xe. Ở độ cao gần 2.500m, khí hậu mát mẻ sẽ giúp ông Kissinger có cơ hội hồi phục sức khỏe trước khi tiếp tục chuyến đi.
Cả báo chí quốc tế, nội các của Tổng thống Mỹ Nixon, cũng như các nhân viên đại sứ quán Mỹ ăn tối cùng Kissinger đều không biết rằng chiếc limousine của chính phủ Pakistan đi đến Nathia Gali chỉ là mồi nhử.
Chi tiết về "chuyến đi phụ" tới Trung Quốc của một "du khách chính" đã được trình bày trong một bản ghi nhớ bí mật, sau đó được giải mật và xuất bản bởi Cơ quan Lưu trữ An ninh Quốc gia tại Đại học George Washington (Mỹ) có đoạn viết: "… sẵn sàng thực hiện các bước để ngăn bác sĩ của đại sứ quán đến trạm trạm gác trên đồi, cách tốt nhất để làm điều đó có lẽ là Halperin gọi Saunders từ trạm dã chiến để báo hiệu rằng du khách chính đang thư giãn, cảm thấy ổn hơn, muốn được ở một mình, sẽ gọi cho bác sĩ nếu cần thiết."
Kế hoạch này tinh vi đến mức đoàn tùy tùng của ông Kissinger thậm chí còn giữ ba bản lịch trình khác nhau để chia sẻ với các thành viên khác nhau trong chuyến đi.
Trong khi đó, tài xế riêng của Tổng thống Khan đưa ông Kissinger, ba trợ lý hàng đầu và hai mật vụ hộ tống đến một sân bay quân sự. Khi những người Mỹ đến nơi, đã gần 4 giờ sáng. Ông Kissinger đội một chiếc mũ rộng và đeo kính râm khi bước ra khỏi chiếc limousine và đi đến chiếc máy bay của hãng hàng không Pakistan Airlines đang chờ sẵn.
Khi những người Mỹ leo cầu thang lên máy bay, họ ngạc nhiên khi thấy trong khoang máy bay không hề trống rỗng. Bốn đại diện của Trung Quốc đã ngồi đó nhiều giờ để chờ đợi kế hoạch được thực hiện. Khi mối lo ngại của cơ quan mật vụ Mỹ về một vụ bắt cóc đã được xóa bỏ, chiếc máy bay bắt đầu chuyến bay kéo dài 6 tiếng tới Bắc Kinh.
Khi máy bay đang bay, một vấn đề mới lại phát sinh: ra đi trong bí mật, ông Kissinger đã để quên túi xách, không mang theo quần áo ngoại trừ bộ đồ đang mặc. Ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải mượn chiếc áo sơ mi của một phụ tá, John Holdridge, người cao hơn ông tới 15cm.
Ông Kissinger gặp mặt Nguyên soái Trung Quốc Diệp Kiếm Anh (người già tóc bạc) tại Sân bay quân sự Nam Uyển (Bắc Kinh) vào ngày 9/7/1971.
Máy bay hạ cánh xuống Sân bay quân sự Nam Uyển ở thủ đô Bắc Kinh vào giữa trưa ngày 9/7/1971. Trong suốt 48 tiếng, hai bên Mỹ - Trung đã thảo luận về Liên Xô và nhiều vấn đề khác, nhưng điều quan trọng nhất đối với chuyến thăm dự kiến trong thời gian tới của Tổng thống Mỹ Nixon là, phía Mỹ khẳng định rằng họ "không ủng hộ hai Trung Quốc, cũng không một Trung Quốc - một Đài Loan, cũng không phải một Đài Loan độc lập".
Ông Kissinger quay trở lại Pakistan, xe đi đường vòng trở lại Islamabad để giả vờ trở về từ Nathia Gali. Kết thúc cuộc hội đàm ở Pakistan, ông Kissinger dừng chân lần cuối ở Paris trước khi quay trở lại Washington.
Cuộc họp được giữ bí mật chỉ trong vài ngày. Ngày 15/7/1971, Tổng thống Nixon tuyên bố trên truyền hình Mỹ rằng: "Biết Tổng thống Nixon bày tỏ mong muốn đến thăm Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Thủ tướng Chu Ân Lai thay mặt Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã gửi lời mời Tổng thống Nixon đến thăm Trung Quốc. Tổng thống Nixon đã vui vẻ nhận lời."
Khi Tổng thống Nixon đến Bắc Kinh 7 tháng sau đó, đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ đương nhiệm đến thăm Trung Quốc, làm rung chuyển thế giới như chúng ta biết ngày nay.
Theo The China Project (Mỹ)
https://soha.vn/chuyen-di-bi-mat-tim-kiem-ban-cung-thuyen-cua-kissinger-nam-1971-lam-thay-doi-vinh-vien-lich-su-20231130110818303.htm