Chuyên gia bàn thảo các điều kiện thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới

07/12/2023, 17:27
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ngày 7/12 tại Tp Đà Nẵng đã khai mạc Hội thảo các điều kiện tại các đơn vị triển khai thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới.

Hội thảo các điều kiện tại các đơn vị triển khai thí điểm Chương trình giáo dục mầm non (GDMN) mới do Bộ GD&ĐT tổ chức với sự tham gia của lãnh đạo 20 sở GD&ĐT thực hiện thí điểm Chương trình GDMN mới; đại diện phòng GDMN của 20 sở GD&ĐT; cán bộ quản lý và giáo viên của 40 huyện trực tiếp thí điểm Chương trình GDMN mới.

TS Cù Thị Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ GDMN, Bộ GD&ĐT cho biết: Thực hiện Kế hoạch số 1866/KH-BGDĐT ngày 10/11/2023 về Kế hoạch tổ chức Hội thảo thực trạng các điều kiện trước thí điểm Chương trình GDMN mới; Quy trình thí điểm Chương trình GDMN mới. Mục đích nhằm đánh giá thực trạng về các điều kiện thực hiện Chương trình GDMN của 20 tỉnh, thành phố tham gia thí điểm.

Từ thực tế tại các địa phương đề xuất các giải pháp thí điểm Chương trình GDMN mới; Đề xuất quy trình thí điểm Chương trình GDMN mới tại 20 tỉnh, thành phố có triển khai; Giới thiệu một số thông tin chung về việc nghiên cứu và xây dựng Chương trình GDMN mới.

Phó Vụ trưởng Vụ GDMN Cù Thị Thủy phát biểu tại Hội thảo.
Phó Vụ trưởng Vụ GDMN Cù Thị Thủy phát biểu tại Hội thảo.

TS Cù Thị Thủy cũng cho biết: Thời gian triển khai khảo sát các điều kiện trước thí điểm Chương trình GDMN mới vào các tháng 5,6,7/2023, Bộ GD&ĐT đã triển khai các bước thực hiện, đảm bảo các điều kiện trước thí điểm của 20 tỉnh thành phố.

Hình thức khảo sát gồm: Khảo sát qua báo cáo: Sở GD&ĐT báo cáo các điều kiện thực tế của 20 tỉnh, thành phố; mỗi tỉnh, thành phố lựa chọn 2 huyện để triển khai thí điểm Chương trình GDMN mới. Khảo sát online qua phiếu khảo sát đối với Cán bộ quản lí (Sở, Phòng, Trường) và giáo viên mầm non. Khảo sát trực tiếp tại 10 huyện được lựa chọn thí điểm Chương trình GDMN mới của 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, Cà Mau.

Kết quả khảo sát đã đưa ra bức tranh tổng thể cho thấy thực tế triển khai của 40 huyện tham gia thí điểm về các điều kiện thực hiện chương trình GDMN (điều kiện về đội ngũ; điều kiện về cơ sở vật chất, điều kiện về xây dựng và thực hiện chính sách). Đây là căn cứ thực tiễn quan trọng để Bộ GD&ĐT xây dựng các nội dung thí điểm Chương trình GDMN mới. Xây dựng quy trình, các bước thí điểm mới.

Hội thảo các điều kiện thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới được tổ chức trực tiếp và trực tuyến.
Hội thảo các điều kiện thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới được tổ chức trực tiếp và trực tuyến.

Trong năm 2023, Bộ GD&DT cũng xây dựng dự thảo về quy trình triển khai thí điểm Chương trình mới nhằm xác định các bước cụ thể, các nhiệm vụ cụ thể gắn với các cấp từ trung ương đến địa phương thực hiện việc thí điểm Chương trình GDMN mới nhằm đánh giá tính khả thi của việc thực hiện với các điều kiện thực tiễn của địa phương.

Hội thảo diễn ra trong 2 ngày 7- 8/12, các đại biểu sẽ cùng bàn về các điều kiện của đơn vị triển khai thí điểm, đưa ra các giải pháp phù hợp, hiệu quả về triển khai thí điểm Chương trình GDMN mới phù hợp với thực tiễn tại địa phương. Những đánh giá này sẽ làm cơ sở để điều chỉnh Dự thảo Chương trình GDMN mới và tài liệu hướng dẫn thực hiện Chương trình GDMN; Làm cơ sở thực tiễn để ban hành Chương trình GDMN mới.

Theo kế hoạch trong thời gian tới Bộ GD&ĐT triển khai nghiên cứu và xây dựng Chương trình GDMN mới. Theo đó, mục đích của Chương trình GDMN mới nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả GDMN phát triển toàn diện trẻ em mầm non về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em sẵn sàng vào học lớp một, đặt nền móng cho việc hình thành phát triển các giá trị cốt lõi của con người Việt Nam. - Phó Vụ trưởng Vụ GDMN Cù Thị Thủy

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia bàn thảo các điều kiện thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới