“Sách tham khảo cho học sinh mà không đúng với giá trị thời đại, các em học sinh sẽ phản ứng. Ví dụ như câu chuyện ‘Tấm Cám’ ở thời của tôi sẽ rất thích, khi Tấm trả thù được dì ghẻ và Cám độc ác. Nhưng trẻ em hiện nay theo một giá trị khác và giá trị này rất thời đại. Nhiều học sinh ngày nay cho rằng, cô Tấm như vậy là ‘quá độc ác’ khi ‘làm mắm Cám và cho dì ghẻ ăn’…Học sinh ngày nay không chấp nhận giá trị này. Đây là thực tế đúng đắn”, GS.TS Phạm Tất Dong nhấn mạnh.
GS.TS Phạm Tất Dong hoàn toàn đồng tình việc loại bỏ những sách tham khảo, sách cho trẻ em trái với giá trị văn hóa, những sách có những nội dung cũ, giá trị cũ không phù hợp với thời đại. Cũng theo GS.TS Phạm Tất Dong, trẻ em đang ở trong thời đại số, những giá trị cần truyền dạy là kỹ năng sống trong thời đại số, kỹ năng sống trong gia đình thời đại mới… Hơn nữa, học sinh ngày nay phát triển trong thời đại chuyển biến nhanh và các em cần được học tập, trang bị những kỹ năng phù hợp.
“Những sách như vậy, Bộ GD-ĐT bỏ là hoàn toàn đúng. Vì những sách này dạy trẻ những điều phi văn hóa, phi giá trị. Xã hội thay đổi rất nhanh, do vậy mang tư liệu cũ để giảng dạy là không phù hợp”, GS.TS Phạm Tất Dong nói.
GS.TS Phạm Tất Dong
Theo tìm hiểu của phóng viên, bài “Giã gạo thổi cơm” trong cuốn “Nựng nựng nà nà” thuộc bộ “Đồng dao cho bé” của NXB Kim Đồng; bài “Vẽ gì khó” hay “Bé xách đỡ mẹ” trong sách Tiếng Việt 1 bộ sách Công nghệ giáo dục từng được sử dụng trong một số trường theo chương trình cũ.
Sách giáo khoa hiện hành, theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 gồm ba bộ là Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo và Cánh Diều, được đưa vào sử dụng từ năm 2020. Hiện, các khối lớp từ 1 đến 4, 6 đến 8 và lớp 10, 11 đã học theo chương trình và sách giáo khoa mới.