Tuy nhiên, một tháng sau khi trở lại Nhật Bản, Junko qua đời do tai nạn giao thông. Cứ ngỡ rằng, những tâm nguyện của cô gái trẻ Nhật Bản sẽ bị lãng quên, thì cha cô đã giúp con gái làm điều đó.
Khi ông Horotaro TaKahashi lật giở những trang nhật ký và biết được ước mơ của con gái mình, ông quyết định đến Việt Nam.
Khi ấy, ở Điện Phước đang thiếu thốn nhiều thứ, chỉ có một ngồi trường bé nhỏ, trang thiết bị hầu như không có. Cha mẹ Junko – ông bà Horotaro TaKahashi đã đầu tư 100.000 USD xây một ngôi trường 8 phòng, một nhà thi đấu, một công trình vệ sinh.
Ngày 4/9/1995, ngôi trường hoàn thành và đưa vào sử dụng. Để ghi ơn người con gái Nhật Bản, ngôi trường cũ Hoàng Hoa Thám được đổi tên thành Trường Tiểu học Junko. Năm học 1995-1996, trường khai giảng năm học đầu tiên với 950 học sinh.
Trước cái chết của Junko, một nhóm sinh viên Trường Đại học Minh Trị Thiên Hoàng, nơi Junko học tập đã thành lập Hiệp hội Junko. Hội đứng ra quyên góp tiền của, vật dụng để đầu tư vào ngôi trường mà ông bà Horotaro xây dựng.
Hiệp hội Junko năm nào cũng trao tặng hàng trăm suất học bổng cho trẻ em nghèo vượt khó của tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng.
Đến năm 2000, những người bạn của bố mẹ Junko tiếp tục quyên góp, xây thêm 5 phòng học trên tầng lầu… Từ đó đến nay, hằng năm ông bà Horotaro và sinh viên Hiệp hội Junko đều sang thăm trường từ 1-2 lần.
Ngôi trường được xây dựng bằng sự thiện tâm và tình nhân ái của Junko, của bố mẹ, bạn bè và người thân của cô, cùng những giáo sư và sinh viên Trường Đại học Minh Trị Thiên Hoàng đã tồn tại trên đất Quảng Nam gần 20 năm qua là một câu chuyện đẹp về lòng trắc ẩn.