Cô giáo 'hai vai' của Trường THPT Phan Đăng Lưu - Nghệ An

Hồ Lài | 01/10/2022, 07:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Cô giáo 'hai vai' Nguyễn Lệ Lan vừa là giáo viên Lịch sử, vừa là Hội thẩm tại Tòa án nhân dân huyện Yên Thành - Nghệ An đã 2 nhiệm kỳ.

Cô Nguyễn Lệ Lan là giáo viên Lịch sử, Trường THPT Phan Đăng Lưu (huyện Yên Thành, Nghệ An); cô cũng là Hội thẩm nhân dân tại Tòa án nhân dân huyện đã 2 nhiệm kỳ. Ở cả “hai vai” cô đều nỗ lực, trăn trở hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Trong công tác chuyên môn hay vai trò xã hội, điều cuối cùng cô hướng đến là đem lại những giá trị tốt đẹp cho học sinh, giáo dục các em cả về kiến thức lẫn bồi dưỡng tâm hồn.

Trăn trở để học sinh yêu thích môn Lịch sử

Cô Nguyễn Lệ Lan (SN 1983) có 16 năm là giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Phan Đăng Lưu (huyện Yên Thành, Nghệ An). Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Lịch sử, cô trúng tuyển, trở về giảng dạy tại ngôi trường cấp 3 của mình.

“Thời điểm đó tôi vừa vui mừng, tự hào khi ước mơ thành sự thật, nhưng không tránh khỏi áp lực, lo lắng. Làm sao để các em quan tâm, học sử, rồi yêu sử, là trăn trở của bất cứ giáo viên nào. Nhất là khi học sinh thường e ngại môn Lịch sử vì phải ghi nhớ chính xác sự kiện, kiến thức bài học. Khi ấy các thầy cô giáo cũ đã giúp đỡ, động viên rất nhiều, coi tôi là “đồng nghiệp” mới để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, chuyên môn giảng dạy”, cô Lan nhớ lại.

Ngay từ khi về trường nhận công tác, cô Nguyễn Lệ Lan đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học. Các bài soạn giáo án được xây dựng thành slide với không chỉ nội dung kiến thức mà có nhiều hình ảnh, tư liệu lịch sử minh họa. Nhờ đó giúp bài giảng sinh động, hấp dẫn hơn.

“Thời lượng 45 phút/tiết nhiều khi chỉ đủ để dạy kiến thức cơ bản trong SGK, chứ rất khó mở rộng thêm nội dung liên quan. Nếu chỉ chú trọng dạy kiến thức, học sinh rất dễ chán. Vì thế những gì đã có trong SGK, tôi không bắt các em chép lại. Thay vào đó, từ sự kiện, mở rộng liên hệ, cho học sinh thảo luận, phát biểu ý kiến chứ không học thuộc máy móc. Tôi cho rằng không cần dạy quá nhiều, mà quan trọng nhất là giúp các em hứng thú, vui vẻ khi đến với môn Sử”, cô Lan cho biết.

Tùy bài học và nội dung kiến thức, cô Lan cung cấp thêm cho học sinh tài liệu, các cuốn sách Lịch sử hay trong thư viện trường, hoặc các trang báo, thông tin chính thống, tin cậy để các em tìm đọc; Tổ chức trò chơi để thay đổi không khí học tập trong lớp. Cô cũng chú trọng lồng ghép dạy lịch sử địa phương. Giao cho các em thực hiện dự án nhỏ về các di tích, nhân vật của quê hương gắn với từng thời kỳ, giai đoạn lịch sử. Qua đó, học sinh tự hào về truyền thống quê hương, kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, có ý thức về vai trò, trách nhiệm của mình với thế hệ đi trước.

Khi năng lực chuyên môn dần khẳng định, cô được nhà trường giao nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi, ôn thi tốt nghiệp THPT. “Đối với bồi dưỡng học sinh giỏi, các em vốn có năng lực tốt và yêu thích lịch sử. Vai trò của giáo viên bồi dưỡng là truyền cảm hứng, thổi thêm ngọn lửa đam mê để các em quyết tâm, nỗ lực theo đuổi môn Lịch sử và giành được thành tích, mục tiêu đặt ra. Còn ôn thi tốt nghiệp THPT, thì phải chia nhóm học sinh và có phương pháp, mức độ kiến thức tương ứng. Ngoài dạy học ở trường, cô trò còn thường xuyên tương tác, trao đổi với nhau qua điện thoại, mạng xã hội”, cô Lan chia sẻ.

Cô giáo 'hai vai' ảnh 1
Cô Lan là người bạn đồng hành của nhiều thế hệ học sinh.

Phát huy vai trò xã hội

Ngoài vai trò của một nhà giáo, từ năm 2016 đến nay, cô Nguyễn Lệ Lan còn là Hội thẩm nhân dân tại Tòa án nhân dân huyện Yên Thành (Nghệ An). Nhiệm vụ của hội thẩm nhân nhân là nghiên cứu hồ sơ các vụ án, tham gia vào quá trình xét xử vụ án sơ thẩm. Đồng thời còn được giao quyền ngang với thẩm phán trong việc biểu quyết để đưa ra bản án theo hình thức đa số. Đối với cô Lan, đây là trọng trách không dễ dàng. Liên quan đến xét xử các vụ án, cô phải đọc, tìm hiểu thêm nhiều kiến thức ở mọi lĩnh vực xã hội. Từ đó, có đóng góp ý kiến đúng vai trò của mình.

Quá trình tham gia hội thẩm, cô ấn tượng lớn nhất đối với những vụ án mà bị cáo phạm tội khi ở tuổi vị thành niên. Không ít trường hợp phạm tội do các em chưa nhận thức, hiểu biết pháp luật. Thậm chí, nhiều em cho rằng những hành vi của mình không vi phạm pháp luật và chưa đến mức phải chịu xử phạt. “Nhiều bị cáo ở độ tuổi như học sinh của tôi, khi nghe tuyên án ngồi ngơ ngác, khiến tôi trăn trở và cả đau lòng. Tôi tự hỏi giá như các em có hiểu biết, nhận thức pháp luật đầy đủ hơn, biết đâu sẽ không có những bản án đau lòng kia, không vướng vào cảnh phải đi tù khi tuổi còn quá trẻ”, cô Nguyễn Lệ Lan nói.

Qua những phiên tòa, cô cũng nghiên cứu kỹ hồ sơ, hoàn cảnh bị cáo để đặt ra câu hỏi làm rõ hơn tình tiết vụ án, góp ý kiến cho Tòa án đưa ra phán quyết cuối cùng. Những hành vi các em vi phạm, có thể mức độ chưa nghiêm trọng, phần nhiều do bồng bột. Nhưng việc nhỏ không xử lý, thì sau này có thể phạm lỗi lớn hơn.

Mức xử phạt đưa ra, vừa thể hiện tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật, nhưng cũng cho thấy tính giáo dục, khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Việc làm Hội thẩm nhân dân, cũng giúp cô có cái nhìn, hiểu biết vấn đề xã hội rộng lớn, nhiều chiều hơn. Từ đó, trong quá trình dạy học ở trường, nữ nhà giáo lồng ghép kiến thức, tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho học sinh. Lấy dẫn chứng từ những vụ án, câu chuyện cụ thể, có thật để thuyết phục các em.

Cô giáo 'hai vai' ảnh 2
Cô Lệ Lan thường xuyên trao đổi với Hiệu trưởng nhà trường về việc giáo dục pháp luật cho học sinh.

Hạnh phúc khi học sinh tìm đến

Cô Nguyễn Lệ Lan kể, trong 2 nhiệm kỳ làm Hội thẩm nhân dân, các vụ án mà bị cáo là trẻ vị thành niên tại huyện Yên Thành mà cô tham gia, chưa có mức độ quá nghiêm trọng đến mức phải phạt tù. Hành vi vi phạm mà các em thường mắc phải là mâu thuẫn, đánh nhau gây mất trật tự; vận chuyển hoặc mua bán pháo nổ; cá biệt một số trường hợp tham gia “cầm hộ” chất cấm mà không biết.

“Có em bị đưa ra xử án khi đang học lớp 12, chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT. Em bị bắt do vận chuyển pháo nổ. Do có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nên chỉ bị phạt cải tạo không giam giữ. Nhưng quá trình từ khi bị bắt tạm giam, chờ gọi lên tòa, các em chịu áp lực về tâm lý, lo lắng rất nhiều. Vì vậy, dù vẫn được tham gia kỳ thi, nhưng việc ôn tập bị gián đoạn và ảnh hưởng không nhỏ”, cô Lan nhớ lại.

Quay trở lại nhiệm vụ dạy học, những dẫn chứng có thật đó, được cô kể lại trong hoàn cảnh phù hợp với học sinh. Để các em có nhận thức pháp luật đầy đủ hơn, tránh vi phạm ảnh hưởng đến cuộc đời mình sau này chứ không riêng học tập. Cô cũng thường xuyên trò chuyện, tìm hiểu hoàn cảnh, động viên trò “cá biệt”, kịp thời nắm bắt tâm tư, suy nghĩ. Giúp các em giải quyết mâu thuẫn nhỏ để không dẫn đến hành vi sai trái như bạo lực học đường.

Cô giáo 'hai vai' ảnh 3
Những tình cảm mà học sinh dành cho cô Nguyễn Lệ Lan được trân trọng ghi trong thiệp chúc mừng tự thiết kế.

Cô Lan còn có mặt trong nhiều phiên tòa dân sự, và chứng kiến nhiều cảnh thương tâm, đặc biệt là các vụ ly hôn mà con cái phải đứng trước sự lựa chọn ở với bố hay với mẹ. Có đứa trẻ òa khóc ngay giữa phiên tòa vì không biết chọn bên nào.

Cô cho hay: “Học sinh của trường cũng có những hoàn cảnh như vậy, nhưng ở độ tuổi THPT, các em đã biết suy nghĩ và thường ngại chia sẻ, chịu đựng, dễ nảy sinh cảm xúc tiêu cực hoặc xu hướng tâm lý khép kín. Vì vậy, mỗi lớp, tôi đều cố gắng tìm hiểu hoàn cảnh gia đình học sinh. Nếu có em bị tổn thương, hoặc vất vả, khó khăn sẽ tìm cách tâm sự, để các em mở lòng”.

Hơn 10 năm trong nghề, cô cũng nhận thấy học sinh bây giờ khác nhiều với thế hệ của mình. Các em mạnh dạn, tự tin hơn, thường xuyên tương tác với thầy cô, ngoài giờ học có thể coi thầy cô như người bạn lớn. Lứa tuổi THPT bắt đầu có cảm xúc, tình cảm với bạn khác giới. Nhưng cô tin tưởng, không phản đối và đánh vào lòng tự trọng để kích thích ý thức học tập của học sinh.

“Có bạn nam học lực chỉ trung bình, nhưng vì cô nói “lo ôn thi, chứ sau lỡ mà trượt tốt nghiệp thì bạn gái không thích nữa đâu” lại nghiêm túc, cố gắng học tập hơn. Dịp ôn thi tốt nghiệp THPT, có em 12 giờ đêm vẫn làm bài tập rồi gửi vào Zalo cho cô. Tôi lại thức dậy chữa bài cho học trò, cô trò trao đổi cả tiếng đồng hồ. Hôm sau lên lớp, thấy cô từ xa, học sinh chạy đến chào, rồi hỏi han, kể chuyện các bạn trong lớp. Là giáo viên, tôi nghĩ chỉ cần những điều nhỏ bé ấy đã hạnh phúc rồi”, cô Lan bộc bạch.

Thầy Nguyễn Văn Ngoạn, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đăng Lưu (huyện Yên Thành, Nghệ An) đánh giá cô Nguyễn Lệ Lan là người giỏi chuyên môn, say mê nghề, được ban giám hiệu, đồng nghiệp công nhận, tín nhiệm và học sinh yêu quý. Cô luôn có ý thức trau dồi chuyên môn, đổi mới cách giảng dạy và học tập, từ đó giúp học sinh yêu môn Lịch sử. Ngoài ra, là thành viên Hội thẩm nhân dân tại tòa án, cô đã lồng ghép truyên truyền giáo dục pháp luật để học sinh thực hiện đúng nội quy trường, lớp và không có hành vi vi phạm pháp luật”.

Cô Nguyễn Lệ Lan có nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; Bằng khen của Bộ GD&ĐT về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”; “Đổi mới sáng tạo trong quản lý giảng dạy và học tập”; Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động Nghệ An. Mới đây, cô Nguyễn Lệ Lan đã giành giải Nhì cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Theo giaoducthoidai.vn
Copy Link
Bài liên quan
Lồng ghép các hình thức tuyên truyền trong phòng chống bạo lực học đường
Để ngăn chặn các hành bạo lực học đường, ngành giáo dục Đà Nẵng cùng với Đoàn thành niên thành phố luôn giáo dục đạo đức lối sống, trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng cần thiết để hạn chế tình trạng này.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cô giáo 'hai vai' của Trường THPT Phan Đăng Lưu - Nghệ An