Tạo động lực
Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Lịch sử là môn có số điểm 10 cao thứ 2 với 1.779 điểm 10, số thí sinh đạt điểm dưới trung bình chỉ chiếm tỷ lệ 19,34%. Theo các thầy cô giáo, điểm môn lịch sử đạt được kết quả đáng khích lệ trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 chính là thành quả của đổi mới phương pháp dạy cũng như tạo động lực để học sinh ham thích học lịch sử.
Cô Nguyễn Thị Thúy - giáo viên Trường THPT chuyên Hưng Yên (Hưng Yên) phấn khởi chia sẻ: Từ nhiều năm qua, nhà trường đã đổi mới giảng dạy môn Lịch sử cho học sinh, không học thuộc lòng mà phải hiểu và phân tích được các sự kiện lịch sử. Nhờ đổi mới phương pháp dạy học, học sinh đã thích môn học hơn, chú ý nghe giáo viên giảng bài, ghi chép bài đầy đủ.
Điểm thi môn Lịch sử năm nay cao vì đề thi chính thức bám sát đề minh họa do Bộ GD&ĐT đưa ra. Các năm trước, điểm môn thi này luôn ở tốp thấp, thậm chí “đội sổ” khiến nhiều người có cái nhìn tiêu cực về môn học. Vì vậy, việc điểm thi Lịch sử tăng lên là tín hiệu đáng mừng cho thấy sự thay đổi tích cực từ việc dạy và học.
Chia sẻ về kinh nghiệm giảng dạy lịch sử từ nhiều năm nay, theo cô Bùi Thị Lệ Niềm - giáo viên Trường THPT Minh Quang (Hà Nội), đối với dạy học lịch sử, hoạt động ngoại khóa có vai trò và ý nghĩa rất đặc biệt bởi lịch sử gắn liền với các sự kiện, di tích và nhân chứng.
“Với đặc thù của bộ môn là những sự kiện, hiện tượng, nhân vật đã xảy ra trong quá khứ vì vậy không thể quan sát trực tiếp hay dựng lại trong phòng thí nghiệm như các môn học khác.
Vì vậy để học sinh được tường minh các nội dung kiến thức đã học trong chương trình thì hoạt động ngoại khóa trong nhà trường sẽ giải quyết được những yêu cầu nêu trên”, cô Niềm nhấn mạnh và gợi mở cách thực hiện: Ngoại khóa lịch sử có nhiều hình thức như đọc sách, kể chuyện, nói chuyện lịch sử, trao đổi thảo luận, tổ chức trò chơi lịch sử, tham quan di tích, bảo tàng..., có tác dụng tích cực về mặt củng cố kiến thức, giáo dục tư tưởng, tình cảm và toàn diện học sinh. Hoạt động ngoại khóa mang tính tự nguyện, làm phong phú thêm kiến thức của học sinh trong giờ học nội khóa, tạo hứng thú học tập lịch sử.
Cô Hoàng Thị Sen - giáo viên Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội) bày tỏ: Khi điểm Lịch sử cao thì nhiều học sinh sẽ chọn môn học này trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cùng với đó, việc đổi mới dạy học môn lịch sử sẽ giúp học sinh ham thích học lịch sử hơn, học không chỉ để phục vụ cho các kỳ thi mà học để có thêm kiến thức, hiểu hơn về văn hóa, truyền thống dân tộc.
Cô Niềm cho biết thêm, việc nhiều thí sinh đạt điểm cao môn môn Lịch sử tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là tín hiệu tích cực. Với các giáo viên giảng dạy lịch sử, điều này càng có ý nghĩa khi Lịch sử chính thức được chọn làm môn bắt buộc, học sinh và phụ huynh sẽ an tâm hơn khi học tập.