“Dù ở đâu, học trò cũng cần được thụ hưởng nền giáo dục tốt nhất và khi được trao cơ hội, bất kỳ học sinh nào cũng có thể phát huy được khả năng bản thân. Thầy cô có trách nhiệm truyền nguồn năng lượng tích cực cho học sinh, giúp các em hiểu rằng nếu có sự cố gắng thì ở đó sẽ có sự nở hoa”, cô giáo Phượng tin tưởng và bày tỏ.
Cô Hà Ánh Phượng đã giúp học sinh học ngoại ngữ không áp lực. Ảnh: NVCC |
Năm 2018, cô Hà Ánh Phượng tham gia cuộc thi giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin của Bộ GD&ĐT. Từ cuộc thi này cô biết tới một diễn đàn toàn cầu của Microsoft - nơi các giáo viên khắp thế giới tham gia chia sẻ, hỗ trợ nhau. Từ đây, cô xây dựng mô hình lớp học xuyên biên giới, kết nối học sinh của mình với giáo viên và học sinh các nước khác, gắn liền với nội dung bài học.
Một năm sau, cô Phượng lọt vào top 50 giáo viên toàn cầu do Varkey Foundation công bố. Và sau đó, với mô hình “lớp học xuyên biên giới”, cô giáo được tổ chức Varkey Foundation công bố nằm trong top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020.
Tại diễn đàn Giải thưởng Công chúa Thái Lan Maha Chakri lần thứ 4, cô Phượng tiếp tục được vinh danh 11 giáo viên tiêu biểu của 11 nước trong khu vực Đông Nam Á. Cô Phượng còn là đại biểu Quốc hội khóa XV.
Dù sở hữu những thành tích đáng “nể”, và nhận được nhiều lời mời làm việc hấp dẫn từ các đơn vị, tổ chức uy tín trong và ngoài nước, song cô Phượng mong muốn được tiếp tục lan tỏa yêu thích học ngoại ngữ cho học sinh và thực hiện các dự án xã hội, truyền đi giá trị tích cực trong cộng đồng...
Cô Hà Ánh Phượng bày tỏ: Đối với bản thân, niềm vui, sự tự hào không phải là những giải thưởng trong và ngoài nước đã đạt được. Nó là khoảnh khắc những cô, cậu học trò người dân tộc ít người có thể tự tin giao tiếp, chia sẻ về văn hóa của Việt Nam với bạn bè thế giới.
Đó là cô học trò nhỏ người Mường có thể vươn xa ra thế giới và gọi điện video call về cho cô giáo và nói rằng: Cô ơi, em đã đến nước Mỹ thật rồi, em sẽ cố gắng nghe lời cô “hòa nhập nhưng không hòa tan”. Đây mới thực sự là cảm xúc, niềm hạnh phúc đáng trân trọng trong cuộc đời một nhà giáo…
Thầy Phạm Thanh Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hương Cần, trao đổi: Từ khi cô giáo Hà Ánh Phượng về công tác thì việc dạy học tiếng Anh trong nhà trường có nhiều đổi mới và đổi mới lớn nhất, dễ thấy nhất là niềm yêu thích của các em học sinh với môn học, động viên được tinh thần học tập và sự say mê của các em, giúp cho kiến thức và kỹ năng tiếng Anh của học sinh cải thiện rõ rệt.
Phương pháp dạy học của cô Hà Ánh Phượng đã truyền cảm hứng không chỉ cho học sinh, mà cả giáo viên. Cô cũng không ngại sáng tạo và luôn tìm tòi, thử nghiệm cái mới, mang lại hiệu quả cao. Nhà trường đề cao nhiệm vụ ứng dụng CNTT trong dạy học. Môn Tiếng Anh của cô Hà Ánh Phượng luôn đi đầu, sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ các giáo viên bộ môn khác cùng hoàn thành nhiệm vụ giáo dục học sinh… Thầy PHẠM THANH SƠN