Đồng thời, qua đó tăng tính tích cực, sáng tạo của học sinh, giúp các em khám phá, lĩnh hội tri thức theo hướng mở, không bó buộc nội dung kiến thức trong sách mà còn giúp khai thác được vốn sống. Giáo viên phát hiện và phát triển được năng lực phù hợp với từng người học.
Từ năm học 2022-2023, các đơn vị trường học rất chú trọng đến xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh nên cô Trâm và đồng nghiệp đã thực hiện mô hình “Tự hào Việt Nam có Bác” với chủ đề Trung thu. Đây là một nội dung mà sinh thời Bác Hồ luôn quan tâm và có những bài thơ rất đỗi giản dị và dễ hiểu. Cô Trâm cùng đồng nghiệp đã dựng, tái hiện mô hình nhà sàn trong quần thể Khu di tích Phủ Chủ tịch.
“Mô hình này không chỉ giúp học sinh mở rộng vốn hiểu biết về cuộc sống bình dị hàng ngày của Bác Hồ trong thời gian Bác lãnh đạo, chỉ đạo cuộc cách mạng của dân tộc, mà còn là không gian trưng bày những bài thơ Bác viết nhân dịp Trung thu được thiết kế thành những quyển sách mini, qua đó giúp học sinh cảm nhận sâu sắc tình yêu thương dạt dào Bác dành cho thiếu nhi”, cô Trâm chia sẻ.
Điều đặc biệt là qua mô hình giáo viên có thể tích hợp giáo dục ở tất cả các khối lớp và các môn học. Chẳng hạn như, khi dạy đến bài vần “an”, giáo viên có thể sử dụng mô hình để mở rộng vốn từ cho học sinh, các em được quan sát các vật thật, từ đó rút ra được các từ như: Nhà sàn, đàn cá, vạn tuế, bàn ghế,...
Ngoài ra học sinh sẽ phát huy được các năng lực đặc thù trong môn Tiếng Việt như năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học, được giáo dục thêm về lòng yêu quê hương đất nước và lối sống nhân ái, nghĩa tình, có thêm nhiều kiến thức về văn hóa - xã hội, góp phần nâng cao vốn sống.
Trước đó, năm học 2021-2022 cô Trâm cùng với đồng nghiệp đã thực hiện mô hình “Con đường tri thức”, mô phỏng lại địa bàn quận 1 với những hình ảnh như: Nhà Thờ Đức Bà, Công viên 30/4, Trung tâm mua sắm Diamond, Thảo Cầm Viên và ngôi trường Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Qua mô hình này, học sinh biết được những địa điểm nổi tiếng tại Quận 1, tích hợp kiến thức các môn học như môn Toán, tiếng Việt, hoạt động trải nghiệm, Tự nhiên xã hội,….
Ngoài ra, cô Trâm còn thiết kế mô hình “Cùng em học Toán” giúp học sinh có thể hứng thú học tập môn học này cũng như phát triển được tư duy, năng lực đồng thời khắc sâu kiến thức môn Toán. Mô hình lấy nguồn cảm hứng từ bộ sách “Chân trời sáng tạo” nên rất gần gũi và thiết thực với học sinh, có thể vừa chơi, vừa học. Mô hình này rất dễ bảo quản, học sinh hiện đang dùng trong năm học này và có thể sử dụng qua các năm học về sau.
Ngoài giảng dạy trên lớp, cô Trâm còn tích cực tham gia các hoạt động trong trường cũng như địa bàn TPHCM như: Hiến tặng tóc cho bệnh nhân ung thư, Hiến máu nhân đạo, Tham gia chương trình “Đồng hành cùng đơn vị kết nghĩa”, “Hành trình về địa chỉ đỏ”, Đại hội thể dục thể thao Quận 1, tham gia chương trình “Những bước chân vì cộng đồng,…. Cô giáo trẻ hi vọng qua các hoạt động có thể góp một chút sức nhỏ nhoi cho cộng đồng, chung tay để xã hội phát triển, đùm bọc, tương thân tương ái.