Ông Phạm Châu Lịch, Giám đốc chuyên môn hệ thống toán tư duy Mathnasium VN, chỉ ra nhiều hiểu lầm cơ bản của PH khi cho con đi học toán tư duy. Có PH nghĩ rằng toán tư duy là 1 loại toán khác biệt hoàn toàn so với chương trình toán mà các HS học ở trường theo sách giáo khoa của Bộ GD-ÐT.
Có PH lại hay kỳ vọng và so sánh sự tiến bộ (phát triển tư duy) của con mình với các HS khác mà không để ý rằng việc phát triển tư duy của các em sẽ tùy theo năng lực của từng em. Cha mẹ chỉ nên xem xét và so sánh sự thay đổi của mỗi em theo mỗi giai đoạn học tập của các em để thấy được sự tiến bộ nhiều hay ít.
"Muốn có kỹ năng tư duy thì HS cần có thói quen tư duy. Phần lớn HS lại không có thói quen này mà chỉ có kỹ năng tính toán. Việc hình thành hoặc thay đổi thói quen với HS cần thời gian và theo khả năng từng em. Các em HS càng quen với lối học rập khuôn, máy móc thì càng cần nhiều thời gian để thay đổi", ông Lịch nói.
Cô Trịnh Thị Nghĩa Thảo cho biết toán tư duy là bộ môn mà sử dụng các con số, hình ảnh, dụng cụ trực quan… nhằm giúp trẻ đạt được các năng lực toán học cũng như các suy nghĩ có tính logic, phân tích, lập luận, tổng hợp và xử lý vấn đề.
Cô Thảo cho hay có PH hiểu nhầm giữa các bài toán khó và các bài toán tư duy. Tư duy ở đây là muốn các con có thể tự mình suy nghĩ, lập luận và phân tích đưa ra các hướng giải các bài toán khó một cách tự tin nhất.
Toán tư duy không phải dạng lặp đi lặp lại các dạng toán mà ở đây nó còn cách suy nghĩ, năng lực tự học, có thể các con sẽ gặp những bài toán chưa bao giờ được hướng dẫn, một vấn đề trong cuộc sống mà các con chưa từng trải qua, và với mỗi đứa trẻ sẽ chọn ra cho mình một giải pháp.
"Giải pháp đó có thể đúng, có thể sai nhưng đó mới là tư duy - quan sát, tổng hợp và cuối cùng là xử lý vấn đề", cô Thảo nói.