Giáo dục

Cụ ông U90 biết 9 ngoại ngữ và khát khao chinh phục ước mơ thạc sĩ

25/05/2024 18:45

Trong số gần 600 thí sinh tham gia kỳ thi thạc sĩ của Trường ĐH Cần Thơ lần thứ 1 năm 2024, có ông cựu giáo viên Nguyễn Tấn Thành (SN 1937) dự thi.

Viết tiếp ước mơ thời trẻ

Ngày 25/5, Trường ĐH Cần Thơ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ đầu vào trình độ cao học đợt 1 năm 2024.

Trong tổng số 598 thí sinh dự thi, ông Thành (ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) là thí sinh đặc biệt nhất khi quyết định chinh phục tấm bằng thạc sĩ ngành Văn học Việt Nam ở tuổi 87. Được biết, ông Thành tốt nghiệp đại học ngành Văn học khóa đầu tiên (năm 1972) tại Trường ĐH Cần Thơ.
Ông Thành từng là thầy của rất nhiều thế hệ, kể cả giảng viên trong Trường ĐH Cần Thơ và các thí sinh cùng dự thi. Vì vậy, quyết định ‘vượt vũ môn’ của ông khiến mọi người rất bất ngờ.

Tham gia kỳ thi bước sang tuổi ‘xưa nay hiếm’, nên ông Thành được các cán bộ trường tạo điều kiện đi bằng thang máy, hướng dẫn tận tình tới điểm thi. Ông Thành có mặt tại phòng thi rất sớm.

Thí sinh cao tuổi nhất kỳ thi chia sẻ, ông vốn là giáo viên đã nghỉ hưu nhiều năm. Bên cạnh nghề chính là giáo viên Văn, ông còn dành nhiều thời gian đi học ngoại ngữ. Nhờ vậy, ông biết và dạy được 9 loại ngoại ngữ gồm tiếng Anh, Pháp, Đức, Ý, Hàn, Nhật, Tây Ban Nha… Mỗi loại ngoại ngữ có chứng nhận tiêu chuẩn hẳn hoi. Thế nhưng, khi tham gia kỳ thi thạc sĩ, ông Thành vẫn có chút lo lắng và áp lực.

Ông Thành bộc bạch, từ năm 20 tuổi ông đã đi dạy thêm môn Văn. Năm 21 tuổi thì chính thức gắn bó với nghề “bảng đen phấn trắng”. Niềm đam mê với văn chương, nghệ thuật, văn hóa trong ông rất lớn. Từ khi mới 7 - 8 tuổi ông đã biết làm thơ Đường, 13 tuổi có truyện ngắn đăng Tạp chí Văn nghệ. Đến 15 tuổi đã có kha khá bài vở đăng trên các ấn phẩm báo chí.

Mặc dù, ông đã nghỉ hưu hơn 20 năm nay nhưng vẫn chăm chỉ sáng tác. Đến nay, ông Thành đã có 4 tập thơ, 5 tập truyện, 15 tập dịch thơ và dịch truyện, hơn 10 tác phẩm hội họa dự triển lãm, phê bình văn học…, ông Thành chia sẻ.

Ông Thành chia sẻ về định hướng học thạc sĩ.
Ông Thành chia sẻ về định hướng học thạc sĩ.

Nói về hành trình theo đuổi tri thức, ông Thành cho biết: Ông đỗ cử nhân Văn học năm 1972, sau đó đi học tiếp cao học, tiểu luận tốt nghiệp cũng đã gần hoàn thiện tuy nhiên, đến khoảng tháng 4/1975, thầy hướng dẫn ông đột ngột qua đời, cộng thêm tình hình xã hội có nhiều biến động, nghề nghiệp khó khăn nên ông không thể học xong chương trình.

Thời gian trôi qua, ông đã ấp ủ dự định học lại thạc sĩ nhưng biến cố gia đình lại ập tới gia đình nhỏ của ông. Bất ngờ, vợ ông mất khi ở năm 27 tuổi do căn bệnh ung thư, bỏ lại 4 đứa con nhỏ. “Bà ấy tuy không xinh xắn nhưng rất giỏi văn nghệ và cũng là một giáo viên. Ngày vợ tôi mất, đứa con nhỏ nhất chỉ mới một tháng rưỡi. Lúc đó cuộc sống rất khó khăn, cái đói hiện hữu trước mắt, ước mơ đành tạm gác lại để tìm cách nuôi con”, ông Thành bùi ngùi.

Sẽ không dừng lại ở thạc sĩ

Không ngừng nỗ lực, với gia cảnh ‘gà trống nuôi con’ nhưng ông Thành đã nuôi dưỡng tất cả 4 người con ăn học thành tài. Tất cả đều đã ra trường có công việc ổn định, trong đó có 3 các con ông nối nghiệp giáo viên của gia đình.

Sau khi, con cái có gia đình, ông thấy mình còn sức khỏe và niềm đam mê chinh phục ước mơ đã bỏ lỡ mấy chục năm qua. Ông Thành tâm sự, nếu người ngoài có chê cười việc ông vẫn ham học lúc tuổi xế chiều thì ông vẫn không bận tâm. Vì các con lúc nào cũng hết lòng yêu thương, khích lệ tinh thần.

Theo ông Thành, tấm bằng thạc sĩ sẽ giúp con đường nghiên cứu, sáng tác và phục vụ văn nghệ, văn hóa, giáo dục được thuận lợi hơn. Nhiều bạn bè của ông đã thành công trên con đường học thuật cũng là động lực thôi thúc ông học tiếp.
Ông bảo đi học ở tuổi này đúng là có khó khăn, nhưng phải quyết tâm vì ai cũng phải hoàn thiện mình mỗi ngày. “Đi học bây giờ đúng là muộn, nhưng nếu đi trong muộn màng, trong gian khổ mà vẫn tới đích thì vẫn ý nghĩa. Con đường tôi vạch ra rất rõ ràng, không bao giờ thay đổi lập trường”, ông Thanh nói.

Nói về tương lai sắp tới, ông Thành cho rằng: Việc học với người trẻ ông không coi đó là khoảng cách thế hệ, mà ngược lại là một trải nghiệm hứa hẹn nhiều điều thú vị. Bởi ông là thầy giáo, đã quen phần nào với nhịp sinh hoạt năng động, tươi vui của học sinh. Cho nên nếu thi đỗ sẽ không lo ngại vấn đề khó giao lưu, hòa nhập với mọi người.

Tuy tuổi tác đã cao nhưng ông Thành, đặt mục tiêu không dừng lại ở thạc sĩ mà còn có dự định học tiếp tiến sĩ. Ông mong sức khỏe mình sẽ luôn tốt để có thể đi tiếp cuộc hành trình nâng cao trình độ mình ấp ủ bấy lâu…

Văn hóa, văn nghệ là một lĩnh vực rất rộng lớn, phong phú, có yếu tố phát triển nên cần phải “học, học nữa, học mãi”. Dẫu biết rằng điều đó sẽ có nhiều vất vả và thách thức, song tôi tin rằng có đam mê và quyết tâm thì vượt qua được hết.

Tôi muốn làm gương cho các bạn trẻ về việc học hành, phải thật sự nghiêm túc, luôn phấn đấu hết khả năng để đạt được kết quả tốt nhất.

Ông Nguyễn Tấn Thành (SN 1937), cựu giáo viên tại TP Cần Thơ.

Bài liên quan
Ngành GD&ĐT TP Cần Thơ chung tay ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3
Ngành GD&ĐT TP Cần Thơ đã chung tay ủng hộ, chia sẻ cùng đồng bào bị thiệt hại do bão số 3.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cụ ông U90 biết 9 ngoại ngữ và khát khao chinh phục ước mơ thạc sĩ