(GDTĐ) - Củ riềng có tác dụng ôn trung, tán hàn, hết đau, tiêu thực, kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon, chữa đầy hơi, các chứng đau bụng do lạnh, bụng đầy trướng, nôn mửa, tiêu chảy.
Một số bài thuốc từ riềng
Chữa đau dạ dày do hư hàn: Đau có thời gian nhất định, gặp lạnh hay đói lại đau nhiều, đầy bụng, nôn nước trong, đại tiện lỏng, ăn uống không ngon, sợ lạnh, lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng, mạch trầm. Dùng tầm hợp thang gồm: Cao lương khương, hương phụ mỗi vị 6-10g; bách hợp, đan sâm mỗi vị 30g; ô dược 9-12g; đinh hương 6-9g; sa nhân 3-6g, sắc uống.
Chữa đau dạ dày cấp: Đau đớn khó chịu, nôn ọe, ăn uống kém. Dùng các vị sau: cao lương khương (chế với đại hoàng), thanh bì, trần bì, mộc hương, thạch xương bồ mỗi vị 6g; đinh hương 4g; sơn tra 15g, sắc uống ngày một thang.
Chữa đau dạ dày: Đau dữ dội, trằn trọc không yên, chân tay lạnh, môi tái, bụng trướng. Dùng thang gia vị thược dược cam thảo: Bạch thược sao 30g, cam thảo chích 10g, cao lương khương 10g, tô mộc 10g, bạch chỉ 15g. Tán bột, uống với nước lã đun sôi, hoặc sắc uống ngày một thang.
Chữa đau bụng do lạnh, nôn mửa: Cao lương khương 8g, đại táo 5g, sắc với 300ml, còn 100ml, chia 2-3 lần uống trong ngày.
Chữa sốt rét kém ăn: Cao lương khương tẩm dầu vùng sao 40 g, can khương nướng 40g, hai vị tán nhỏ dùng trư đảm hòa vào rồi viên to bằng hạt ngô. Ngày uống 15-20 viên. •
Chữa đau bung, đau hai bên sườn, sôi bụng, tiết tả: Cao lương khương 12g, hương- phụ 12g. Tán bột, viên hoặc sắc uống sẽ hành khí giảm đau.
Bài thuốc xoa bóp
Củ riềng phơi khô 20g, thiên niên kiện 16g, quế 24g, thạch xương bồ 20g, trần bì (sao) 16g, nhân hạt gấc (sao vàng) 20g. Các vị thái nhỏ, bỏ vào chai thủy tinh, đổ ngập rượu để ngâm.
Sau 10 ngày là có thể dùng được. Lấy bông tẩm vào thuốc, xoa vào chỗ đau, kết hợp day, bấm nhẹ. Dùng trong những trường hợp đau xương đau mình trật ngã, sang chấn, sưng đau các khớp, thần kinh tọa, đau nhức cục bộ…
Một số lưu ý khi dùng củ riềng chữa bệnh
Dùng củ riềng đúng liều lượng và thời gian được khuyến cáo.
Những người có tiền sử bị dị ứng nên thận trọng khi dùng củ riềng: Trong củ riềng có chứa tinh dầu tạo nên mùi thơm đặc trưng. Một số trường hợp bị dị ứng với tinh dầu này. Nên khi dùng củ riềng chữa bệnh mà có các biểu hiện bất thường cần dừng ngay việc dùng thuốc và đi thăm khám nếu cần thiết.
Củ riềng có thể làm tăng lượng axit trong dạ dày. Nên khi dùng củ riềng làm thuốc chữa bệnh dạ dày, cần kết hợp với các vị thuốc khác để tránh làm tăng tình trạng bệnh.
Phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú cần thận trọng khi dùng củ riềng. Dù không có nghiên cứu nào chứng minh tác hại của củ riềng với những đối tượng này nhưng tốt nhất khi dùng nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ.
Trên đây là những thông tin tổng hợp về tác dụng của củ riềng cũng như những bài thuốc từ thảo dược này và một số lưu ý khi dùng củ riềng để chữa trị các loại bệnh. Hy vọng những kiến thức này sẽ giúp người bệnh dùng củ riềng đúng cách.