Với sự quan tâm, đầu tư cho giáo dục, chất lượng giáo dục đại trà của các địa phương trong Cụm thi đua số 5 từng bước được nâng lên. Điểm bình quân của kỳ thi tốt nghiệp THPT từng bước được cải thiện, năm sau cao hơn năm trước.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đánh giá cao hoạt động của Cụm thi đua số 5, sự nỗ lực của từng trường thành viên, đồng thời biểu dương những cách làm tốt, mô hình hay của các tỉnh trong cụm, góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cũng như giáo dục mũi nhọn của các địa phương.
Các đại biểu tham dự Hội nghị. |
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các Sở GD&ĐT trong Cụm thi đua số 5 cần tiếp tục phát huy vai trò tham mưu, quan tâm hơn nữa đến việc tập huấn cho giáo viên để thực hiện Chương trình GDPT 2018, quan tâm tới công tác xây dựng trường học an toàn, lành mạnh và thân thiện để các em học sinh phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ.
Chính quyền các địa phương trong cụm cần kịp thời có các chỉ đạo, điều hành để phát triển giáo dục địa phương, đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận giáo dục ở mọi cấp học. Từ đó, tiếp tục từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh mong muốn các Sở GD&ĐT trong Cụm thi đua số 5 quan tâm, xây dựng kế hoạch cụ thể để hưởng ứng phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030” do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động. Đây cũng chính là động lực để Cụm thi đua số 5 tiếp tục phát huy các thành tích đã đạt được trong năm học 2023-2024.
Theo thống kê, Cụm thi đua số 5 có tổng số 4.256 trường mầm non, phổ thông, trong đó có 296 trường Phổ thông dân tộc bán trú, 63 trường Phổ thông dân tộc nội trú, 3.091 điểm trường lẻ chủ yếu của cấp học mầm non và tiểu học.
Tổng số học sinh toàn cụm thi đua là gần 2 triệu học sinh. Cùng với đó, trong Cụm cũng có 8 Trung tâm Giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, 60 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên cấp huyện với hơn 53 nghìn học viên. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên trong toàn cụm thi đua là 99.494 người.