Các công ty công nghệ hàng đầu đang bị cuốn vào cuộc chạy đua về trí tuệ nhân tạo (AI).
Bên cạnh các mô hình mới nổi bật như DeepSeek R1; Grok 3 của xAI; Google Gemini 2.5 Pro…, nửa đầu năm 2025 cũng ghi nhận nhiều sự kiện AI đáng chú ý.
Hai ngày sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã nhấn mạnh trọng tâm vào đổi mới AI bằng một dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ. Dự án Stargate giá 500 tỷ USD do OpenAI và SoftBank dẫn đầu, cùng với Microsoft, Nvidia và Oracle, nhằm xây dựng siêu máy tính AI tại Mỹ.
Tuy nhiên, không phải ai cũng lạc quan về khoản đầu tư 500 tỷ USD này. “Họ thực sự không có tiền”, tỷ phú Elon Musk viết trên X và cho biết, SoftBank chỉ đảm bảo được “dưới 10 tỷ USD”.
Trong khi Mỹ công bố kế hoạch “rót” hàng trăm tỷ USD vào cơ sở hạ tầng AI, thì DeepSeek, một công ty Trung Quốc, tuyên bố đã xây dựng mô hình R1 của mình với giá chỉ 6 triệu USD. Tuy nhiên, chi phí phần cứng được ước tính cao hơn nhiều (có thể hơn 500 triệu USD). Thực tế, DeepSeek chỉ báo cáo giá thuê GPU Nvidia của mình.
Nhiều ý kiến nhận định, DeepSeek có thể tạo ra một mô hình tốt tương tự của OpenAI. Dù quyền truy cập vào GPU của DeepSeek bị hạn chế, nhưng điều đó cũng đủ để gây rung chuyển ngành công nghiệp AI. Sự ra đời của R1 đã ảnh hưởng tới cổ phiếu công nghệ. Trước bối cảnh này, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, đó là “lời cảnh tỉnh” cho các công ty công nghệ. Bởi, DeepSeek đã tạo ra tiền lệ mới cho cuộc chạy đua AI toàn cầu.
Thúc đẩy đổi mới AI là chủ đề chính trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump. Vào tháng 4, thông qua một sắc lệnh, Tổng thống Mỹ đã đưa giáo dục AI trở thành ưu tiên trong trường học từ mẫu giáo đến lớp 12. Sắc lệnh này yêu cầu các cơ quan liên bang triển khai chương trình đào tạo kiến thức và thành thạo về AI tại các trường. Đồng thời, đưa ra chương trình nâng cao kỹ năng cho các nhà giáo dục cũng như chuyên gia có liên quan.
Sắc lệnh của Tổng thống Trump nhằm trang bị cho các thế hệ tương lai về những kỹ năng cần thiết trong một thế giới lấy AI làm trung tâm. Trong khi đó, các trường học đang phải vật lộn để điều hướng việc sử dụng công cụ AI như ChatGPT trong lớp học, tránh dẫn đến tình trạng gian lận tràn lan.
OpenAI từng là một công ty vì lợi nhuận được quản lý bởi một hội đồng phi lợi nhuận. Sau đó, OpenAI đã cố gắng chuyển đổi thành một công ty hoàn toàn vì lợi nhuận. Điều này đã nhận về ý kiến trái chiều từ các nhà lãnh đạo AI như Geoffrey Hinton và cựu nhân viên của OpenAI, những người đã cảnh báo về hậu quả trong một bức thư ngỏ.
Theo OpenAI, việc tái cấu trúc được đề xuất “sẽ loại bỏ các biện pháp bảo vệ thiết yếu”. Vào tháng 5, nhà sản xuất ChatGPT công bố sẽ vẫn được quản lý bởi một hội đồng phi lợi nhuận, nhưng chuyển đổi công ty con vì lợi nhuận của mình thành một công ty vì lợi ích công cộng (PBC). Tuy nhiên, kế hoạch mới này bị nhiều người chỉ trích. Bởi, họ cho rằng, cấu trúc mới vẫn cho phép OpenAI đặt lợi nhuận lên trên sứ mệnh.
Vài ngày sau khi Giáo hoàng Leo XIV được bầu làm lãnh đạo của Giáo hội Công giáo, ông đã chỉ trích ngành công nghiệp AI. Cụ thể, trong bài phát biểu đầu tiên, Giáo hoàng Leo XIV đã nói về “những phát triển trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đặt ra thách thức mới cho việc bảo vệ phẩm giá con người, công lý và lao động”. Phát biểu của Giáo hoàng Leo XIV truyền tải một thông điệp mạnh mẽ về các ưu tiên của mình.
Bên cạnh đó, phát biểu tại một sự kiện có sự tham dự của Thủ tướng Italy - Giorgia Meloni và các phái đoàn từ 68 quốc gia ngày 21/6, Giáo hoàng Leo XIV nhấn mạnh: “Chúng ta không được quên rằng, AI hoạt động như một công cụ phục vụ lợi ích của con người, chứ không phải để làm giảm hoặc thậm chí thay thế con người”.
Giáo hoàng lưu ý, “bộ nhớ tĩnh” của AI không thể so sánh với sức mạnh “sáng tạo, năng động” của trí nhớ con người. “Cuộc sống cá nhân của chúng ta có giá trị hơn bất kỳ thuật toán nào. Các mối quan hệ xã hội đòi hỏi không gian phát triển vượt xa những khuôn mẫu hạn chế mà bất kỳ cỗ máy vô hồn nào có thể định vị sẵn”, Giáo hoàng Leo XIV cho biết và nhấn mạnh, hiện cần phải chú ý bảo vệ “lối sống công bằng và lành mạnh, đặc biệt là vì lợi ích của các thế hệ trẻ”.
Giáo hoàng Leo XIV hoan nghênh những lợi ích của AI trong y học và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, ông cũng nêu bật những quan ngại về tác động lâu dài đến khả năng phân biệt thực - ảo của con người trong thời đại dữ liệu tràn lan.
Đạo luật “Take It Down” (Gỡ bỏ) đã được Tổng thống Mỹ ký thành luật vào ngày 19/5, biến việc công bố hoặc đe dọa công bố hình ảnh thân mật không có sự đồng thuận (NCII) thành hành vi phạm tội, trong đó gồm các hình ảnh giả do AI tạo ra.
Đạo luật “Take It Down” đã được Quốc hội Mỹ thông qua khá nhanh chóng, với sự ủng hộ của cả hai đảng, Dân chủ và Cộng hòa. Sự phổ biến rộng rãi của AI đã khiến việc tạo ra các hình ảnh giả cho mục đích xấu trở nên dễ dàng đến mức đáng lo ngại. Điều này đã thu hút sự quan tâm của các nhà lập pháp.
Công cụ tìm kiếm mới của Google là giao diện chatbot, được quảng cáo như một giải pháp thay thế cho trang chủ tìm kiếm truyền thống. Là đơn vị nắm giữ vị trí hàng đầu trong thị trường công cụ tìm kiếm, việc Google giới thiệu Chế độ AI đại diện cho sự thay đổi cơ bản trong cách mọi người tìm kiếm thông tin trực tuyến.
Người dùng đã chuyển sang ChatGPT hoặc công cụ tìm kiếm AI Perplexity, ngay khi chất lượng kết quả tìm kiếm của Google trở nên tệ hơn. Giải pháp của Google là dựa vào các tính năng tìm kiếm hỗ trợ AI để cạnh tranh trực tiếp hơn.
Nhà đồng sáng lập OpenAI - Sam Altman và “huyền thoại thiết kế” Jony Ive dự đoán, tương lai của AI là không có màn hình. Vào tháng 5, OpenAI đã công bố việc mua lại công ty của Jony Ive và có kế hoạch cùng nhau phát triển một thiết bị AI.
OpenAI cho biết sẽ cố gắng thành công ở nơi mà những người khác đã thất bại. Đó là tạo ra một thiết bị phát triển vượt ra ngoài màn hình điện thoại và máy tính, trải nghiệm thế giới và trở thành người bạn đồng hành AI.
Mặc dù, chi tiết về thiết bị chưa được công bố, nhưng một bản ghi mô tả, đó là “thiết bị cốt lõi thứ ba mà một người sẽ đặt trên bàn làm việc sau MacBook Pro và iPhone”.
Gần đây, tờ New York Times đưa tin rằng, CEO của Meta, Mark Zuckerberg, đang đưa ra các hợp đồng lên tới 100 triệu USD để thu hút những nhân tài chủ chốt khỏi OpenAI và các đối thủ cạnh tranh khác.
Theo tờ Times, Zuckerberg đang theo đuổi công nghệ siêu trí tuệ. Nhà sáng lập Facebook nhận thức được rằng, Meta tụt hậu so với các đối thủ trong cuộc đua AI. Do đó, Mark Zuckerberg được cho là đang quyết tâm xây dựng một AI siêu trí tuệ.
Nhiều nhà báo và nghệ sĩ đã đệ đơn kiện bản quyền chống lại các công ty AI. Gần đây, cả Meta và Anthropic đều thắng kiện bản quyền đối với các tác giả. Tuy nhiên, một đối thủ mới đã tham gia vào cuộc chiến pháp lý về bản quyền AI: Disney.
Cụ thể, hãng phim cáo buộc Midjourney sử dụng tài sản trí tuệ của họ để huấn luyện mô hình AI, tạo ra hình ảnh chứa các nhân vật nổi tiếng mà không có sự cho phép, vi phạm luật bản quyền. Trong đơn kiện, hãng mô tả Midjourney như một “máy bán hàng tự động ảo” và là một “hố sâu không đáy của hành vi đạo nhái”.
Google, Microsoft và Amazon đầu tư hàng chục tỷ USD vào AI để cạnh tranh nhau. Cuộc chiến tranh giành nhân tài bùng nổ, khiến các chuyên gia AI được săn đón như ngôi sao. Sundar Pichai - CEO Google và Satya Nadella - CEO Microsoft đều trực tiếp tham gia quá trình tuyển dụng. Một số công ty sẵn sàng chi hàng triệu USD mời gọi nhà nghiên cứu làm việc mà không cần phỏng vấn.